Tâm sự của Richard Liu – chủ thương hiệu DSPTCH: 10 điều cần cân nhắc trước khi nghỉ việc để khởi xướng một thương hiệu
{source}
Đôi khi sự đơn điệu và tính quan liêu của các tổ chức doanh nghiệp và tập đoàn lại được coi là một trong những chất xúc tác tuyệt vời nhất cho sự sáng tạo. Đối với Richard Liu của thương hiệu DSPTCH, một sự nghiệp tại một vài những ông lớn của thế giới công nghệ đã trở thành nền tảng rất quan trọng cho anh để học hỏi và thu thập những kiến thức cần thiết trước khi anh hoàn toàn thoát xác. Nhiều năm trước khi cuối cùng đã thực hiện cú nhảy đột phá để dành trọn thời gian của mình cho DSPTCH, Liu cũng chưa bao giờ rời xa cái tư duy doanh nghiệp trong cách quản lý business riêng của mình. Trong quá khứ, anh từng giúp đỡ xây dựng hình ảnh online cho thương hiệu 3sixteen trong những năm đầu cũng như thương hiệu bán lẻ Purist tại San Jose. Từng dành nhiều giờ mỗi ngày sau khi đi làm về cho thương hiệu riêng DSPTCH, phải mất 2 năm để Liu cảm thấy đủ sẵn sàng để có thể rời bỏ thế giới tập đoàn và cam kết toàn thời gian cho thương hiệu riêng. Tuy nhiên, trong khi quá trời người đang than vãn kêu khóc về cái vòng xoáy công việc 8 tiếng một ngày của họ, Liu có vài lời khuyên đã được lựa chọn rất kĩ càng dành cho những người đang có ý định bỏ việc để tìm kiếm tự do, sự sáng tạo, trách nhiệm và đôi khi là một món thu nhập hời hơn nữa. Dưới đây là 10 điều bất kì doanh nghiệp tự nhân đang nhú mầm nào cũng nên xem xét kĩ càng trước khi quăng mình vào cuộc chơi “thương hiệu riêng” đầy thử thách.
Để biết thêm về DSPTCH, check out website của họ ở đây.
Suy nghĩ cho kĩ về nó
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên đến mức nực cười. Thật ra, phải nói một cách đầy đủ là hãy suy nghĩ thật kĩ về nó một cách nghiêm túc và tỉnh táo. Điều tôi thường xuyên nghe thấy mọi người nói là sự bất mãn đối với công việc hiện tại trở thành một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy họ thoát khỏi công việc đó. Nhưng để khởi nghiệp với một business riêng bạn cần nhiều hơn là một phản ứng tiêu cực, bởi vì nó sẽ vắt kiệt thời gian, tiền bạc và cả tiềm lực của bạn. Hãy dành cho chính mình thời gian để suy xét cẩn thận tất cả những thay đổi sẽ xảy ra. Không có bất cứ cách nào để giữ mọi việc khác trong cuộc sống của bạn y như cũ mà bạn lại vẫn có thể theo đuổi đam mê của mình. Khi một thứ được nâng lên vị trí cao hơn, đương nhiên sẽ phải có một thứ khác bị hạ xuống thấp hơn. Đây thực sự là một quyết định rất lớn (nếu bạn cũng thực sự nghiêm túc về việc muốn nó thành công), và vì thế, hãy dành cho nó sự cân nhắc chu đáo mà nó xứng đáng.
Lập kế hoạch
Giải thoát bản thân khỏi công việc làm thuê lúc ban đầu có thể cảm thấy rất thoải mái, nhưng cái cảm giác bay bổng đó sẽ sớm trở thành con dao hai lưỡi đâm ngược lại bạn khi cuối cùng thực tế cuộc sống cũng kéo bạn trở về mặt đất. Lập một kế hoạch rõ ràng từ sớm trước khi thực hiện bước nhảy vọt quan trọng không chỉ giúp bạn xác định được liệu nó có phải là một kế hoạch đúng đắn hay không, mà nó còn tạo cơ hội cho bạn chuẩn bị tốt và kĩ càng nhất cho cú nhảy này (đôi khi là hàng năm trước). Bản thân tôi đã dành ra hai năm vận hành DSPTCH tại nhà trong khi vẫn đang làm một công việc toàn thời gian. Và mặc dù cách làm này thật vất vả (đến mức tôi thực sự không bao giờ muốn phải trải qua một chuyện tương tự như thế một lần nữa – dù đôi khi rất đáng yêu), nhưng việc phải chịu đựng những khó khăn kiểu như vậy ngay từ đầu sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đối diện với những căng thẳng và áp lực trong những năm tháng sau này, đồng thời nó giúp tôi học được cách sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hiệu quả hơn cũng như vận hành công việc một cách gọn gàng hơn. Đó là những bài học tôi mang theo đến tận bây giờ, sau rất nhiều năm rồi. Vậy nên, hãy bắt đầu với một kế hoạch cụ thể trước khi bạn chặt xích xổ lồng.
Đặt trước các mục tiêu
Điểm lưu ý này liên quan nhiều đến phần “sau này” hơn tuy nhiên cũng rất có ích khi xác định chúng trong quá trình lên kế hoạch. “Tiếp tục cố gắng” sẽ như thế nào nhỉ? “Làm thế này không được rồi” sẽ thế nào nhỉ? Trước khi thực hiện cú nhảy (đặc biệt là trước khi bạn chạm đến điểm mốc “không thể quay đầu được nữa”), không chỉ có việc chuẩn bị trước một tầm nhìn về thành công của chính mình là rất quan trọng, mà cũng quan trọng không kém là việc biết được khi nào thì những kết quả mình đạt được và những điều kiện khách quan mách bảo cho bạn biết rằng kế hoạch của bạn cần được bổ sung. Hãy đặt cho mình những mục tiêu thực tế có thể đạt được và nắm chắc chúng trong tay. Nếu như sau này bạn không thể đạt được những mục tiêu của mình, bạn cũng cần phải có suy nghĩ rất thực tế về việc bao giờ là lúc cần phải quay lại với bản vẽ ban đầu.
Chú ý về việc tính toán thời gian
Điểm lưu ý này có liên quan chặt chẽ đến một điều đã được nhắc tới trước đó: không được để cảm xúc trở thành yếu tố quyết định của bạn. Sự kiên nhẫn và những tính toán thời gian hợp lí dù nghe có vẻ như không phải là những lưu ý thực sự liên quan thật ra lại vô cùng quan trọng khi bạn làm việc cho chính mình. Chú ý đến những điều này từ sớm sẽ không chỉ giúp giảm bớt những hậu quả có thể có của bước ngoặt, nó còn giúp giảm áp lực của những quyết định quan trọng sau này. Tôi đã được chứng kiến nhiều doanh nhân thành công và họ thực sự là những người có những quyết định được tính toán rất kĩ càng và sắc sảo.
Nhận thức được những hạn chế của chính mình
Điểm chú ý này có thể hơi khó đọc đối với nhiều bạn. Sự thật là, phần lớn mọi người đều thiếu thốn những kĩ năng cần thiết, kinh nghiệm và những kiến thức cần và đủ để có thể khởi xướng và duy trì thành công một business riêng của mình. Điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ cuộc ngay từ bây giờ, nhưng nó có nghĩa là ngay tại thời điểm này, với những gì bạn có, bạn chưa có đủ điều kiện để thành công. Hãy biến suy nghĩ này trở thành động lực cổ vũ bạn nhìn nhận bản thân mình luôn là một học viên lúc nào cũng khao khát học được những cách mới để trang bị cho bản thân mình năng lực giải quyết những vấn đề đến tay tại bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ công việc gì, và không ngừng nâng cấp “vũ trang” của chính bản thân mình. Hãy dành thời gian ngay từ bây giờ để học hỏi mọi khía cạnh có thể của việc điều hành một business riêng và như vậy bạn sẽ được chuẩn bị rất tốt cho đến ngày bạn có thể thực sự mang những kiến thức đó ra để sử dụng.
Trui rèn kĩ năng cá nhân
Có một thứ luôn cần phải giữ vững phong độ trong suốt hành trình của bạn, chính là cái khao khát luôn muốn nâng cao những khả năng của mình với tư cách một chủ doanh nghiệp. Không có sách giáo khoa nào cho việc này cả, nó là một thứ “hệ sinh thái tự nhiên” với cách duy nhất để bảo dưỡng là thu thập và tích luỹ kiến thức, kĩ năng và năng lực thực sự. Hãy tự hỏi mình, cứ cho là bạn đã đủ khá để có thể bắt đầu một công ty, nhưng bạn đã đủ giỏi để tiếp tục phát triển nó? Bạn có đủ giỏi để kịp đổi mới khi môi trường tiêu thụ bất ngờ biến động? Tất cả những câu hỏi này vốn chỉ xoay quanh một vấn đề duy nhất: không ngừng lao động và học hỏi để trui rèn các kĩ năng của bản thân và ngày càng trở nên tốt hơn trong công việc của chính mình. Điều này cũng không có nghĩa là bạn đọc sách không ngừng nghỉ, nhưng cũng không có nghĩa là bạn suốt ngày đi ngồi vẽ lên một tấm bảng trắng. Kinh nghiệm là rất tốt, nhưng không phải là tất cả. Đây là một trong những nhân tố hết sức quan trọng giúp cho doanh nghiệp riêng của bạn không ngừng phát triển sau khi bạn đã có một màn ra mắt ấn tượng. Điều tích cực là bạn có thể bắt đầu việc này ngay từ bây giờ, và những yêu cầu duy nhất của nó là thời gian và công sức.
Hãy sẵn sàng cho những lựa chọn khó khăn
Trong kinh doanh, sẽ hiếm khi có những lựa chọn rõ ràng, chúng còn là loại hiếm là đằng khác. Bạn cần phải học cách cảm thấy thoải mái trong việc đối mặt với những quyết định khó khăn: những quyết định liên quan đến cả các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Những bản phân tích kinh doanh tinh tế nhất cuối cùng cũng chỉ đi vào ba vấn đề chính là một danh sách những rủi ro, lợi nhuận và chi phí. Hãy học cách và chuẩn bị sẵn sàng để luôn đưa ra những quyết định đúng đắn (và được tính toán cẩn thận) khi cần.
Hãy sẵn sàng để hy sinh
Đây cũng là một yếu tố đòi hỏi rất nhiều đối với việc tự đánh giá bản thân. Hãy hiểu rằng ngay khi bạn bắt đầu là sẽ có những thay đổi chóng mặt trong cuộc sống thường ngày của bạn. Đương nhiên kì vọng của tất cả chúng ta là cuối cùng chúng ta sẽ quay lại được vị trí làm chủ cuộc sống của mình nhưng cái con đường để đi đến đó là một dấu hỏi to đùng mà rất nhiều người chưa hề chuẩn bị cho nó. Đối với số đông, ít nhất cũng sẽ phải mất vài năm và trong suốt những năm đó ta sẽ phải trải qua hay gặp gỡ với rất nhiều những điều khó chịu. Bạn phải chuẩn bị tinh thần để bật chế độ sống còn lên bất cứ khi nào và sau đó là học cách sống với nó trong một khoảng thời gian chưa biết là sẽ dài bao lâu. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng nhất trong việc trở thành một chủ doanh nghiệp: bạn sẵn sàng đi xa tới đâu để chiến đấu cho ước mơ của mình? Bạn không thể nào chỉ nhìn vào một thiểu số đạt được thành công nhanh chóng và kì vọng điều tương tự cũng sẽ đến với mình. Nếu bạn thực sự nghiêm túc, hãy chuẩn bị tinh thần để chân lấm tay bùn.
Tìm đồng minh thân cận
Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một trong những điều nhiều người trăn trở nhiều nhất nhưng lại đều vì những lí do rất sai. Tôi đã gặp rất nhiều người cảm thấy rằng mình cần phải có những người hướng dẫn và dạy dỗ mình làm sao để vận hành một doanh nghiệp nhưng nói thật là phần lớn thời gian bạn sẽ phải tự mình bươn chải thôi. Tự mình tìm cách giải quyết hay câu trả lời cho những vấn đề của chính mình không chỉ cứu vãn doanh nghiệp của bạn, mà còn giúp phát triển rất nhiều những kĩ năng có ích cho bạn sau này. Tất nhiên, nói thế thôi những bạn vẫn sẽ cần một vài cá nhân mà bạn luôn có thể trao đổi ý kiến và họ sẽ cho bạn một cách nhìn nhận vấn đề khác. Hãy tìm những người mà bạn biết sẽ nói thật với bạn và trao đổi những ý kiến chân thành (có nghĩa là: không phải bạn thân!). Không phải lúc nào bạn cũng cần phải đồng ý với họ, nhưng biết đâu đấy, họ sẽ giúp bạn có những góc nhìn mới mà có thể bạn đã bỏ qua.
Thi công, thi công, thi công
Điều cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, chìa khoá trong quyết định của bạn. Tất cả những điều được nói trên đây cuối cùng cũng chỉ dồn lại về một điểm mấu chốt: bạn có thực hiện được nó hay không. Bạn có thể có những nguồn tiềm lực tuyệt nhất thế giới nhưng cũng chỉ chốt lại là bạn có thể nắm lấy chúng và mang chúng ra tới thị trường được không. Không chỉ đơn giản là chuyện chọn miếng vải hay tỉ mỉ với việc đặt chiếc túi áo ở đâu, nó là cả một quá trình, và hành trình mà bạn buộc phải trải qua để có thể tạo ra sản phẩm của mình từ đầu đến cuối (và cứ thế lặp đi lặp lại). Thật đáng tiếc là đây lại là một việc mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mình có thể làm được, nhưng chẳng mấy ai làm được. Vì thế, hãy luôn nghĩ đến nó từ rất sớm, ngay từ đầu, đến mức nó thành sạn trong đầu bạn. Chỉ khi bạn có thể thực sự là người sẵn sàng xắn tay áo lên vào lao vào cuộc, thì bạn mới có thể tiến gần hơn tới con đường ánh sáng.
Chúc bạn may mắn!
Cám ơn anh vì 1 bài viết/ bài dịch có ích cho thằng em ngay lúc này