Phép Nhà

Note của Nick: Đây là một bài viết của chị Nguyễn Phương Mai, tác giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng với giới trẻ Việt Nam qua hai cuốn sách Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo. Bài viết này được chị chia sẻ trên facebook cá nhân, chủ yếu với mục đích chia sẻ những kì vọng của chị về văn hoá ứng xử của các độc giả trên facebook của chị, tuy nhiên, cũng chứa đựng rất nhiều những ý kiến mà Nick hoàn toàn đồng tình về văn hoá sử dụng và ứng xử trên facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, đó là lí do mà Nick đã xin phép chia sẻ lại bài viết này trên Báo của Nick. Bản thân Nick cũng có rất nhiều chia sẻ về vấn đề này, tuy nhiên sẽ không nói dài thêm ở đây để nội dung tập trung vào bài viết của chị Mai. Hẹn các bạn sẽ chia sẻ ở một bài viết khác.

Các bạn có thể đọc đầy đủ bài viết của chị Mai tại đây.

PHÉP NHÀ

Tôi định viết một note như thế này từ rất lâu rồi, hôm nay nhân dịp giúp một người bạn trong việc tuyển chọn nhân viên, tôi quyết định chia sẻ với cả nhà bằng tiếng Việt.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến các công ty loại ứng viên xin việc bằng cách rà soát các post, comments trên facebook. Nghiên cứu cho thấy 3/5 công ty tiến hành việc sàng lọc ứng viên bằng cách điều tra tư cách của ứng viên đó trên các mạng xã hội. Hôm nay, chúng tôi đã quyết định loại khỏi vòng cuối một ứng viên có hồ sơ rất rạng ngời. Ai cũng tiếc và ngỡ ngàng khi thấy chàng trai đáng nhẽ sẽ có tiền đồ sán lạn ở công ty lại là kẻ ăn nói rất vô văn hóa trong một số comment kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Tôi viết post này trước hết là để khuyến cáo các bạn về những điều mình chia sẻ, post, comment trên facebook. Trên đời chả có cái gì là ẢO cả, chỉ có những giấc mơ là ảo mà thôi. Tỉnh dậy thì động một ngón tay là trời biết đất biết, gõ một từ lên bàn phím kết nối mạng là cả trăm nghìn người biết. Đừng tưởng ngó quanh không thấy ai có nghĩa là mình mình một cõi. Internet không ảo, chỉ có chúng ta là kẻ mù dở mà thôi.

Với nhiều kẻ ra vào facebook của mình, bao giờ tôi cũng cố giữ nguyên tắc: “giận đến mấy cũng luôn có từ ‘bạn XYZ thân mến…”, đưa ra cảnh cáo nhắc nhở 1-2 lần, lần thứ ba sẽ block và luôn có liệt kê những lý do bị block. Nhiều bạn hỏi tại sao tôi lại có thể kiên nhẫn trả lời một cách lịch sự các comment thiếu văn hóa, thiểu năng và vô học với thái độ từ tốn như vậy. Tôi xin trả lời rằng vì facebook đối với tôi chính là đời sống thật hàng ngày. Tôi không nhìn thấy mọi người nhưng mỗi câu tôi viết cũng có thể coi như đang nói cho cả mạng bạn bè nghe. Nó như những tuyên ngôn nho nhỏ tôi dán lên cửa nhà mình để bàn dân thiên hạ đi qua dừng chân đứng đọc. Khi comment trên tường nhà người khác, nó như việc tôi dán lên cửa nhà họ tấm danh thiếp của mình và một lời nhắn nhủ. Tư cách của tôi ở đó. Lời nói gió bay, nhưng comment trên facebook thì bia đá khắc lại, cộng thêm cái mặt chủ nhân chình ình trên đó ngàn đời cho thiên hạ đủ mọi hạng thân sơ đọc rồi đánh giá. Tôi thật không thể lý giải nổi tại sao lại có những kẻ viết lên cửa nhà mình và để lại danh thiếp của chính mình lên cửa nhà bạn bè những lời lẽ thiếu suy nghĩ cho cả thiên hạ chiêm ngưỡng? Đây có phải là forum vô danh ẩn tính đâu mà là facebook, một mạng xã hội kết nối cả trăm bạn bè họ hàng đồng nghiệp với nhau, đến Pinokio còn không dám nói dối thì cớ sao một kẻ trần truồng không hề có danh tính sơ cua nào để tránh núp lại điên rồ đến mức chạy ra giữa đường mà la hét: “Tôi tên là A, tôi làm ở công ty B, vợ/chồng/concái tôi tên là XYZ, bạn bè tôi là anh này chị nọ bà kia… Bây giờ các người nghe cho rõ đây: ĐM các người”.

Tạm thời bỏ chuyện đó qua một bên, tôi nghĩ đã đến lúc cần giải thích rõ hơn về cái mà tôi tạm gọi là PHÉP NHÀ.

Tôi quan điểm đơn giản thế này. Facebook cá nhân như cái nhà riêng của mình. Để chế độ public như thể để cổng nhà mở ra đường. Những post nhăng nhít nọ kia có thể coi như là những buổi trò chuyện luyên thuyên mà chủ nhân tổ chức trong vườn nhà mình, nhưng để ngỏ cửa cho thiên hạ ai rảnh thì ghé qua chơi.

1. Cửa để ngỏ nhưng không có nghĩa là không có cửa. Vào nhà người khác trước hết phải ăn nói lịch sự, ứng xử có văn hóa. Facebook cá nhân không phải là cái làng Vũ Đại để Chí Phèo đi quanh chửi bới cha chung không ai khóc. Không gì khó chịu hơn một kẻ xông vào nhà người khác, phê phán công kích chủ nhân bằng kiểu ăn nói chống không, thái độ chỏng lỏn, kiêu ngạo. Xin nhắc lại là bạn đang vào facebook cá nhân, nhà riêng của người khác. Nếu bạn thích nói năng không cần giữ ý tứ phép tắc, mời sang các tờ báo online hoặc các forum công cộng. Tôi rất ghét việc nhà mình có rác, kể cả đó là những đống rác có cắm cái biển to tướng bên trên ghi rõ tên tuổi gia quyến nơi làm việc cùng danh sách bạn bè họ mạc đồng nghiệp của chủ nhân đống rác. Xin đề nghị những bạn có tiềm năng hành xử như vậy block tôi, để tôi đỡ phải thiếu lịch sự mời khách ra đường.

2. Nếu post là public, đương nhiên chủ nhân có ý mở rộng đường cho các ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, tranh luận không có nghĩa là phê phán chửi bới mạt sát người khác. Lỗi ngụy biện cơ bản mà rất nhiều người chúng ta hay mắc phải là công kích cá nhân thay vì thảo luận vấn đề. Những ví dụ tiêu biểu là “Đồ trẻ trâu/ Đồ phản động/ Đồ phản quốc/ Đồ ngu/ Đúng là kẻ thấy cây mà không thấy rừng…”. Hoặc “Mày thì hơn chó gì ai mà mồm to”, “Bạn giỏi thì làm thử đi”; “Bạn đã làm được gì mà đòi chê người khác?”, “Chỉ thấy phê bình là giỏi, chả làm được cóc gì”, “Giỏi thì tìm giải pháp đi chứ đừng có ngồi đó làm anh hùng bàn phím mà phê phán”…. Lỗi ngụy biện có nhiều, nhưng lỗi này thì nhiều người mắc phải nhất, tiếng chuyên môn gọi là Ad Hominem. Ai thấy những câu comment này quen quen thì xin đề nghị block tôi khẩn trương đi ạ.

3. Tiếp, đây là facebook cá nhân, nhà riêng, chứ không phải Trụ sở ủy ban phường hay sân chơi dưới chân tượng đài ông Lê Nin. Chủ nhân ham vui thì mở cửa tán chuyện với người qua kẻ lại. Vì vậy không ai có quyền đòi hỏi chủ nhân phải sắp xếp lại nhà cửa, xây sửa lại cổng chào cho hợp ý mình. Tôi chưa thấy ai vô duyên như những bạn từng vặn vẹo tôi sao không để tiếng Việt lên trước tiếng Anh, hay tuyên bố tôi không có QUYỀN nói về vấn đề này hay vấn đề nọ, hoặc nếu nói thì PHẢI nói thế này hay thế khác. Ơ hay, tôi có nhận tiền thuế của bạn đâu, hay bạn có trả tiền để đọc post của tôi như mua một tờ báo đâu? Nói cách khác, đây là nhà riêng của tôi chứ có phải Hội đồng nhân dân xây bằng tiền thuế của bạn đâu mà bạn đòi hỏi tôi phải viết cho lọt tai bạn? Lại xin thông báo, ai mà còn có những yêu sách vô duyên thế này, xin cũng block tôi cho cuộc đời hai ta nhẹ gánh.

4. Cuối cùng, đây là facebook cá nhân chứ không phải cơ quan thông tấn báo chí hay cơ quan đại diện quyền lực của chính phủ cầm quyền. Chủ nhân của nó không có nghĩa vụ phải nhất mực trung tính, tiếp thu đủ thứ vàng thau cũng như rác rưởi thiên hạ ném vào với tư cách ý kiến dân chủ. Như những kẻ bình thường khác, tôi thích giao du với những người CÙNG KÊNH, có thể KHÔNG CÙNG CHÍNH KIẾN nhưng nên là cùng tầm văn hóa, nhất là văn hóa của sự khoan dung và chấp nhận khác biệt một cách có văn minh. Ok, cái ý này có vẻ hơi mù mờ. Vậy nên tôi quyết định sẽ đăng lại đây một cái post cũ. Bạn nào đồng ý với post này là coi như bạn cùng kênh. Bạn nào không đồng ý, cứ nhất định cho rằng chỉ có duy nhất một cách gọi là “chân lý”  thì coi như là bạn không cùng kênh. Không cùng kênh cũng ok, nhưng nhiêù lúc cũng chán lắm, có cố làm bạn cũng cứ phải CỐ CỐ, đôi khi lại thành rất mệt, mất thời gian, hoặc làm hỏng cả tình bạn, thậm chí biến bạn thành thù. Tốt nhất là giải thoát nhau chờ đến kiếp sau duyên phúc đầy đặn hơn. Nhỉ?

Post đây nhé! Mời các bạn tự chọn kênh:

“…Về việc gọi cuộc chiến ở VN là nội chiến…, đây cũng là cách nhìn cá nhân của PM. PM cho rằng, người mình giết người mình, kể cả khi nước ngoài chống lưng, thì gọi là nội chiến (Syria là một ví dụ). Bạn nào về phe chính quyền miền Bắc không thích thì gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng được. PM không phản đối. Bạn nào ủng hộ chính quyền miền Nam gọi là cuộc chiến chống Cộng cũng đúng. Bạn nào không thích phe phái, thích sự khách quan tối đa, gọi là Second Indochina War ̣- cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai – cũng có cái lý của nó. PM cũng có cân nhắc dùng từ này, nhưng cho rằng nó không được nhiều người biết đến, nên cuối cùng đành dùng từ nội chiến (Bản tiếng Anh mới nhất dùng Vietnam war). PM cho rằng lịch sử cũng cần được nhìn nhận qua lăng kính hỷ nộ ái ố của từng cá nhân. Anh hùng với dân tộc này cũng có thể là kẻ cướp nước với người dân nơi khác. Chúng ta không nên cho răng̀ chỉ có một cách gọi duy nhât́ là chân lý”

Để kết luận, cả nhà ạ, có khi chỉ dồn lại hai chữ “lịch sự” với nhau mà thôi. Đôi khi cũng chả phải vì chúng ta yêu quý cóc gì nhau, mà là vì facebook nó như Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, làm gì cũng có thể bị chiếu tướng, quan trên trông xuống người ta trông vào, trong khi bản thân lại cứ câng câng tồng ngồng đi lại vì tưởng không ai nhìn thấy, hì hì, thì cũng hơi kỳ. Nhỉ? 🙂

One thought on “Phép Nhà

  1. Hôm nay buồn tay cũng kick vào note này để đọc lại nhưng điện thoại không load được hết bài. Em nhớ là phía cuối còn phần “các lỗi thường gặp khi ngụy biện” nữa. Đoạn đó khá hay dù hơi khó hiểu. 😀

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s