Note của Nick: Nhân dịp mới chính thức nghỉ cái công việc mà mình đã say mê suốt hơn hai năm vừa rồi, và đưa bản thân vào trạng thái idle – trạng thái không làm gì cả, thì lại tìm được bài viết thú vị này về chính cái trạng thái đó. Một sự đồng cảm lớn lao, vì chính bản thân mình, đã từ rất lâu rồi, đâu đó chỉ một khoảng thời gian không dài sau khi bắt đầu chính thức bước chân vào thế giới của người lớn bằng việc đi làm, mình đã nhận ra và hết sức trân trọng cái trạng thái “không làm gì cả” này. Khi để cho cả cơ thể và trí óc hoàn toàn nghỉ ngơi – trong lúc đang tỉnh chứ không phải đang ngủ nhé – mình có thể cảm nhận rõ ràng cả cơ thể và trí óc hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ đến chừng nào so với khi lúc nào cũng giữ trong đầu mình một băn khoăn vơ vẩn nào đó. Ở một khía cạnh nào đó, nó rất giống với việc thiền, chỉ khác là bạn không phải ngồi xếp bằng, cũng không phải nhắm mắt. Bạn chỉ cần tịnh tâm. Bỗng nhiên tâm trí sáng ra, nút thắt được gỡ bỏ, vướng mắc được giải quyết. Những sân si trong lòng, trong phút chốc, bỗng hoá thành làn khói, thành mây xanh. Và vì thế, một lời khuyên thành thật của mình là, hãy biết yêu thương và chăm sóc cho bản thân bạn bằng những khoảng thời gian “không làm gì cả”.
Note 2: Có một điều thú thật là bài viết này sử dụng một thứ ngôn ngữ cực kì khó dịch sang tiếng Việt – nhiều khái niệm khó tìm khái niệm tương đương trong tiếng Việt, và ngôn từ hết sức trau chuốt, khiến cho mình cảm thấy bài dịch của mình khá vụng về và có phần thô thiển về mặt ngôn từ so với bản tiếng Anh. Mong các bạn thông cảm ❤
Nguồn: http://www.kinfolk.com/the-idler/ Tác giả Nikaela Marie Peters/Ảnh của Maja Norrman
Kẻ ăn không ngồi rồi: Hướng dẫn cách không làm gì cả
Khi ngày một lớn lên, hay già đi, con người ta nhận ra rằng, thời gian quý giá hơn tiền bạc. Và vì thế, có thể tìm thấy thời gian mà ăn không ngồi rồi, hoàn toàn không làm gì cả, có lẽ chính là điều chúng ta cần. Nó – cái việc ăn không ngồi rồi chẳng làm một thứ gì cả – dường như chỉ dành cho các vị thần và trẻ sơ sinh. Nó – cũng chính là cái không gian sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, triết học và khoa học. Cái thói quen không làm một việc gì cả là cực-kì-quan-trọng đối với mỗi cá nhân và sự sung túc về mặt văn hoá, nhưng dường như lại đang chết dần chết mòn trong cái thời đại đã bị kĩ thuật số hoá của chúng ta.
Khác xa với sự lười biếng, cái sự ăn không ngồi rồi một cách chuẩn mực lại chính là mái ấm của tâm hồn. Trước khi chúng ta lên kế hoạch, hay yêu thương hay quyết định hay hành động hay kể chuyện, chúng ta ngồi không. Trước khi chúng ta học hỏi, chúng ta phải ngắm nhìn. Trước khi chúng ta bắt tay vào làm một việc gì đó, chúng ta mơ mộng về nó. Trước khi chúng ta chơi đùa, chúng ta tưởng tượng. Một trí óc khi đặt vào tình trạng không làm gì cả vẫn tỉnh táo, nhưng không bị ràng buộc, hoàn toàn tự do để bay nhảy từ ý tưởng này qua ý tưởng khác, hay trôi nổi từ một lý thuyết có tiềm năng tới một thực tiễn có tiềm năng. Thomas Aquinas từng lý luận rằng, “sự hoàn hảo của xã hội loài người tuyệt đối cần có những con người dành trọn cuộc đời mình vào việc chỉ trầm ngâm suy nghĩ.”
Câu hỏi lớn: dường như người ta đã mất đi kĩ năng ăn không ngồi rồi một cách thực sự? Có khi nào chúng ta còn ngồi không một cách hoàn toàn bình thản? Có khi nào chúng ta còn đi dạo, theo cái cách mà Henry David Thoreau đã khuyên bảo, không hề theo một lịch trình hay đích đến, tự do hoàn toàn? Cái hình ảnh này giờ mới thật hiếm hoi làm sao: một cá nhân đơn độc, đang không cắm mặt vào một tờ báo, chiếc laptop hay điện thoại của mình, chỉ đơn giản là ngồi – và tâm trí anh ta đang bay bổng đâu đó.
Bảy năm trước đây, tôi sống trong một căn hộ không hề có internet. Tôi có một chiếc điện thoại gập mà những chức năng duy nhất của nó là nghe gọi và nhắn đi những tin nhắn chỉ có 40 kí tự. Không bị phân tán bởi internet hay việc có thể xem bất cứ một bộ phim nào, tôi rõ ràng là đã từng làm việc với năng suất cao hơn hẳn, tất nhiên là còn tuỳ vào phương thức đo lường. Một trí óc trôi nổi bồng bềnh trong cái thế giới riêng của nó rõ ràng là thú vị hơn hẳn việc nó trượt đi trượt lại giữa những đường link internet. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy mất mát lớn hơn cả – khi so sánh với cuộc sống trong những năm tháng đó – là tất cả số thời gian dành vào việc “không làm một cái gì cả”.
Căn hộ khi đó của tôi nằm trên lầu ba giữa một con phố nhộn nhịp khu trung tâm. Nó nhỏ xíu, đến mức cái giường phải dùng loại úp lên tường khi không dùng đến. Và tôi có thể đảm bảo rằng số lượng thời gian tôi đã dành ra chỉ để ngồi ngắm nhìn qua khung cửa sổ khi dồn lại có thể lên đến hàng tuần. Tôi đã ngồi đó, chẳng ngắm nhìn một cái gì cả, hoặc bất cứ cái gì. (Thi thoảng) Tôi có hút một vài điếu thuốc, hay uống cà phê… hai cái thói quen trong khi rõ ràng là không có lợi cho sức khoẻ chút nào, nhưng trong một số hoàn cảnh nhất định, lại đặc biệt có giá trị lành mạnh đối với tâm hồn.
Năng suất làm việc không hề là thước đo duy nhất đối với việc thời gian có được tiêu xài một cách có ích hay không. Có những cách mạng hay phát minh khoa học vĩ đại nhất lại đã xảy ra hoàn toàn bất chợt, không báo trước, sau hàng năm trời lao động không có năng suất hay chút kết quả nào, vào những lúc ngơi nghỉ. Điều này thì dường như thằng nhóc 5 tháng tuổi nhà tôi lại đã hiểu được một cách hoàn toàn bản năng. Nó sẽ học được cả một ngôn ngữ và làm thế nào để ngồi, đứng, bò và đi lại tất cả chỉ bằng một cách, mà đối với người lớn thì, trông hệt như “chẳng làm một cái gì cả”.
Tôi hoàn toàn nghĩ rằng thời gian dành cho việc ăn không ngồi rồi giúp cho tâm trí khoẻ mạnh hơn. Chúng ta sẽ cảm thấy mình cần ít hơn, và cũng cảm thấy đơn giản nhẹ nhàng hơn khi chúng ta có được nó. Chúng ta ngủ ngon hơn và làm việc hăng say hơn. Chúng ta tìm thấy niềm vui ở những thứ đơn giản hơn. Khi chúng ta mỗi ngày đều dành thời gian để quan sát cuộc sống gần gũi ở quanh ta, chúng ta sẽ cảm thấy bình tâm và thực tế hơn với chính bản thân mình, và đồng điệu hơn với nhịp đập của không gian và thời gian mà chúng ta đang tồn tại. Hơn nữa, việc mấy đám mây đang đổi hình đổi dạng cũng cần đến sự quan tâm của chúng ta đó nhé.