Tâm lý tình yêu đồng tính, thay đổi thái độ: Những cung bậc yêu đương

Note của Nick: Tình yêu là thứ nói muôn đời không hết. Người ta có thể đã đọc hết một tủ tiểu thuyết ngôn tình, lại cũng đọc thêm một thư viện những cuốn sách phân tích về tình yêu, để rồi vẫn cảm thấy như mình chẳng hiểu gì về nó. Đừng bao giờ để bản thân mình nghĩ vậy. Tình yêu, hay những mối quan hệ tình cảm, trên thực tế đều có thể phân tích được. Có thể sẽ không thể nào rõ ràng 100%, nhưng luôn có những lý thuyết chung. Và bài viết ngắn gọn sau là một trong những chia sẻ khá thú vị về cách nhìn nhận những giai đoạn của một mối tình: Những cung bậc tình yêu. Một bài viết đặc biệt dành tặng cho các cặp tình nhân đồng tính để sẻ chia sự ủng hộ đối với việc thế giới ngày càng ủng hộ những mối tình và những cuộc hôn nhân đồng tính. 

Một bài viết khác về tình yêu đồng tính có thể bạn quan tâm: Vì sao những mối tình đồng tính chẳng bền...

Tâm lý tình yêu đồng tính, thay đổi thái độ: Những cung bậc yêu đương

tumblr_n7mx96TpIr1tbycouo1_500

{source}

Dịch bởi: Thuy-Linh Tran

Chỉnh sửa bởi: Châu Huỳnh, Nick Do

“Anh ấy bắt đầu làm việc riêng nhiều hơn, tụ tập với đám bạn mà không có tôi, thậm chí anh ấy còn bắt đầu chơi bóng rổ nữa. Liệu có phải anh ấy đang cố ám chỉ với tôi là mọi thứ đã chấm dứt không?”

“Chuyện tình cảm của chúng tôi đang bị “mất lửa”. Hồi trước chúng tôi dính nhau như keo dính chuột ấy. Giờ thì mọi thứ cứ nhạt nhẽo. Đến lúc phải bước tiếp rồi chăng?”

“Chúng tôi quen nhau được 10 năm và bây giờ anh ta nói anh ta muốn thử những trải nghiệm tình dục mới. Nghĩa là sao?”

Đó là đổi thay. Các mối quan hệ đều phải trải qua các giai đoạn nhất định; mọi thứ sẽ không mãi như thuở ban đầu, và cách chúng ta giải quyết những thay đổi này sẽ quyết định tương lai cho chuyện tình cảm, nếu như mối quan hệ này thật sự có tương lai. Việc bạn không có nhận thức đối với sự phát triển theo dạng bậc thang hoàn toàn tự nhiên của những mối quan hệ sẽ mang lại hậu quả là những lo lắng băn khoăn. Đổi thay khiến ta trở nên mỏng manh, yếu đuối và xử sự kém khôn ngoan. Và vì thế chẳng có gì khó hiểu khi nhiều mối quan hệ đi đến bước đổ vỡ thay vì bước vào giai đoạn phát triển kế tiếp.

Trong bài này, ta sẽ vận dụng mô hình của Alan Cassel đưa ra vào năm 2013 để tìm hiểu các giai đoạn của quan hệ yêu đương. Chỉ khi hiểu được cách mà một mối quan hệ phát triển thì chúng ta có thể dễ dàng chuẩn bị tâm lý đón đầu khi các thách thức ập đến và giải quyết các trở ngại một cách hiệu quả hơn nhằm giúp mối quan hệ của mình tiến triển theo hướng tốt đẹp. Tuy là một quá trình phát triển cấp tiến, nhưng hoàn toàn không phải là một cuộc đua để ta phải cố mà chạy thật nhanh từ khúc này qua khúc khác. Đôi lúc vài cặp đôi cứ vồn vã cố bước vào giai đoạn tiếp theo vì cho rằng như vậy sẽ đảm bảo chuyện tình cảm của mình chắc chắn hơn, trong khi chính sự âu yếm và tận hưởng niềm vui của từng giai đoạn mới có thể dẫn đến một mối quan hệ ổn định hơn về lâu dài.

Giai đoạn Yêu mất xác

Ôi cái giai đoạn tuần trăng mật: rơi vào lưới tình. Nhà nhân chủng học Helen Fisher miêu tả việc gia tăng nồng độ hóc-môn sinh dục testosterone và oestrogen đã gây ra một sư ham muốn ban đầu với đối phương. Sau đó, các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, norepinephrine và serotonin) khiến các cặp đôi trở nên say đắm và thu hút nhau mãnh liệt.

Món cocktail của những chất xúc tác yêu đương này khiến ta trở nên “điên vì yêu”: bốc đồng và mất tập trung, chúng ta thậm chí còn mất cả ham muốn ăn uống, thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta hoàn toàn thay đổi và nửa kia chiếm mất phần lớn thời gian và năng lượng của ta. Các chất xúc tác yêu đương đó cứ tràn ngập trong não chúng ta khiến hoạt động của vỏ não vùng trán có xu hướng bị ức chế, dẫn đến khả năng phân tích và đánh giá không thể làm tốt chức năng của nó. Thêm vào đó, vành trước của vỏ não, nơi gắn liền với cảm giác hưng phấn, cũng được kích hoạt nốt. Đây chính là cái hứng tình tự nhiên nhất mà ai trong chúng ta cũng đều tìm kiếm. Điều nguy hiểm ở đây là chúng ta đang hành động quá bản năng, cho nên dẫu biết rõ những nhiệt tình này là không tốt tẹo nào, ta vẫn dẹp bỏ hết logic của mình mà làm liều tới cùng. Có thể chúng ta sẽ thấy hơi bất an, ám ảnh, ham muốn quá mức, nhưng cũng có ai trách được ta chứ, trong khi chẳng thể gạt người ta ra khỏi tâm trí, thì giữa hai người cũng chưa có ràng buộc gì mạnh mẽ hoặc rõ ràng – ta vẫn có nguy cơ trắng tay. Chả trách người ta gọi là “rơi” vào lưới tình.

Giai đoạn Thấu hiểu

Là khi mọi thứ dần bình ổn trở lại. . Và ta muốn tìm hiểu mọi thứ về đối phương, hai người chia sẻ với nhau câu chuyện cuộc đời mình với những suy nghĩ thầm kín, đức tin, thang giá trị, ước mơ và nguyện vọng của bản thân. Rồi cùng với những đụng chạm, những giao tiếp bằng mắt, sự thân mật về thể xác và một chút oxytocin và vasopressin (các chất xúc tác tạo cảm giác thân thiết) một mối liên kết giữa hai người bắt đầu hình thành.

Giai đoạn Xáo trộn

Trận cãi vã đầu tiên. Nếu bạn có chút gì giống tôi, rất có thể bạn đã loại được vụ này từ cuộc hẹn đầu tiên, nhưng dù sao thì cuộc cãi vã chính thức đầu tiên là vô cùng quan trọng. Trong một mối quan hệ, chắc chắn sẽ có kha khá những lần mâu thuẫn và cách mà chúng ta giải quyết chúng sẽ đem lại cho chính chúng ta cái nhìn sáng suốt hơn về tương lại của mối quan hệ. Nếu hai người không thể cùng nhau giải quyết một vấn đề mâu thuẫn, hai người đó chẳng thể có chung một tương lai.

Tranh cãi cũng phải công bằng, hai người trao đổi một cách thiện chí và hiệu quả thay vì công kích cá nhân, thấu hiểu cho nhau và cùng nhau cố gắng để đồng ý với cùng một giải pháp. Cùng nhau vượt qua một mâu thuẫn là cách để xác định ranh giới và khai phá con đường giúp đưa hai cá nhân riêng biệt thành một cá thể đồng nhất.

Giai đoạn Uốn nắn

Khi các chất xúc tác dần trở lại mức thông thường, sự đè nén nơi vỏ não vùng trán cũng mất dần, có thể hiểu nôm na là khả năng phân tích và suy đoán cũng từ từ được khôi phục, ở một mức độ nào đó. Chúng ta bắt đầu có suy nghĩ về những thứ ta muốn từ người bạn đời tương lai và hình dung mối quan hệ tình cảm trong tương lai sẽ như thế nào. Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo. Thế nên ta bắt đầu thử thách đối phương, muốn thử xem mỗi người có chịu uốn nắn bản thân để phù hợp với cái tiêu chuẩn về đối tác cho tương lai của mình hay không – cả hai sẽ đều phải thỏa hiệp, nhưng cũng không thể hoàn toàn thay đổi hay “chấn chỉnh” đối phương. Tranh cãi về thực quyền xuất hiện lúc này đây.Mối quan hệ nào cũng khó tránh khỏi những lúc phải chơi kéo co như thế này. Một người kéo mạnh một đầu dây, nửa kia của họ tất nhiên cũng đang cố giằng co kéo mạnh ở phía đối diện. Tuy nhiên, việc đặt dây xuống và cùng đàm phán việc ai phải chiều lòng ai có thể khiến mọi thứ dễ dàng hơn, rất nhiều.

Giai đoạn Cam kết

Vượt qua được giai đoạn uốn nắn bằng cách thương lượng về quyền hạn và vai trò, các đôi lập ra được những ranh giới chung cùng mối liên kết chặt chẽ có thể tiến vào giai đoạn cam kết hạnh phúc. Đây là thời kì mà mối quan hệ trở nên bền vững, yêu thương chăm sóc lẫn nhau và tập trung về một tương lai khi hai người cùng nhau xây dựng cuộc sống chung. Đây là giai đoạn các hành vi mang tính cam kết, chẳng hạn như kết hôn, dọn về sống chung, mua nhà hoặc có con được thực hiện. Giai đoạn này có sự tin tưởng tuyệt đối.

Hãy cẩn thận và đừng vội vàng đẩy mối quan hệ của bạn vào giai đoạn này trước khi xây dựng các nền tảng cơ bản. Lỗi chung của các đôi là nghĩ rằng việc dọn về sống cùng nhau, thực hiện các cam kết mang tính hình thức hoặc có con chung sẽ giúp cho mối quan hệ tiến triển hơn – không hề! Mối quan hệ cần phải thật sự lành mạnh và chắc chắn trước khi bước vào giai đoạn cam kết, bằng không mọi việc có thể trở nên tồi tệ hơn.

Giai đoạn Nghi ngờ

Một số cặp sau đó có thể trải qua giai đoạn nghi ngờ. Họ cảm thấy mình buộc phải yên phận và mất đi chính mình trong mối quan hệ. Họ cần phải nhìn lại bản thân mình, nhớ lại những điều họ mong muốn và giữ lấy cái “tôi” riêng của mình. Mối quan hệ tình cảm có thể dễ chịu nhưng cũng có thể trở nên thiếu sức sống hay thậm chí là nhàm chán. Cả hai có thể nhớ về những người yêu cũ và tự hỏi liệu họ có đang ở với “đúng” người hay không. Đây là giai đoạn mà cả cảm xúc lẫn thể chất cứ lang thang và có khả năng tìm kiếm những lựa chọn thay thế. Đây là thời điểm mà rất nhiều cặp quen nhau lâu dễ trở nên đỗ vỡ, nếu như họ không tìm ra cách làm mới mối quan hệ của mình.

Giai đoạn Thỏa mãn tình dục

Một số cặp nhận ra ham muốn và nhu cầu tình dục của họ bỗng nhiên thay đổi sau một thời gian dài bên nhau. Họ có thể không còn cảm thấy thỏa mãn tình dục và ham muốn tình dục của hai người có thể trở nên lệch pha. Ở giai đoạn này, cặp đôi cần phải tìm ra cách thỏa mãn nhu cầu tình dục của nhau. Một số cặp tìm đến các phương pháp khác nhau nhằm nhóm lại “lửa” ham muốn. Một số quyết định thử khám phá tình dục ngoài mối quan hệ. Số khác có thể cho rằng họ không còn ham muốn tình dục đối với người bạn đời của mình và quyết định rời bỏ.

Dù cho quyết định có là gì đi nữa, bạn vẫn nên để tâm đến nhu cầu của đối phương chứ đừng nên ngó lơ hay trốn chạy khỏi họ. Ai cũng không thoải mái khi phải đối mặt với vấn đề này, nhưng làm rõ vấn đề tình dục sẽ xác định việc tiếp tục bên nhau hay là rời xa nhau của hai bạn.

Giai đoạn Làm mới

Nhiều mô hình của các mối quan hệ còn có thêm một giai đoạn cuối, giai đoạn làm mới hay gia đoạn nghỉ hưu. Chúng ta hiểu người bạn đời của mình từ trong ra ngoài, tin tưởng nhau hoàn toàn. Khi đã chung sống cả cuộc đời và chia sẻ với nhau mọi thứ, đây chính là giai đoạn của tình bằng hữu, của sự thoải mái và tin cậy. Những cặp đôi này thường có tài chính ổn định và vì thế có khả năng chi trả cho việc theo đuổi những cuộc phiêu lưu mới cùng nhau. Điều quan trọng là phải biết giữ lửa sống, duy trì các cuộc trò chuyện và trân trọng mối quan hệ của mình.

Sự đổi thay là một thực tế đương nhiên và việc vượt qua những thử thách sẽ khiến mối quan hệ trở nên bền chặt hơn. Tránh né chưa bao giờ được xem là hành động đúng, nó chỉ làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Vậy nên, hãy dũng cảm đối mặt với nó. Dù ở bất cứ giai đoạn nào trong mối quan hệ, cả hai vẫn luôn là hai cá thể riêng biệt. Các bạn đều có những giá trị, những sở thích, niềm tin và mục tiêu của riêng mình. Hi vọng là đa số những điều đó sẽ được chia sẻ. Nhưng dù sao đi nữa cũng nên hiểu rõ chính bạn, hiểu rõ đối phương và hãy luôn cố gắng thương lượng để tìm thấy sự hợp nhất.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s