{bài gốc của Ross Hsu. dịch bởi La Phối Lâm}
Dòng nhạc đình đám nhất hiện nay đang tự diệt: Và bạn thì chẳng hề hay biết
Bạn dự đoán hiện tượng “bong bóng EDM” rồi sẽ sớm nổ tung? Muộn rồi, điều đó đã xảy ra.
Nghệ sĩ có nhiều lượt theo dõi nhất trên trang Spotify là David Guetta. Tôi xin phép dẫn link một bài Huffington Post ở đây, nhưng chắc chả cần thì các bạn cũng tự cập nhật được số liệu rành rành ngay trên trang chủ Spotify. DJ kiêm nhà sản xuất 47 tuổi cán mốc 6.9 triệu lượt theo dõi, đánh bại cô nàng siêu sao nhạc R&B Rihanna một cách ngoạn mục với con số chênh lệch 1.5 triệu. Thành quả này phần nào khẳng định thực tế dòng nhạc EDM đang chễm chệ trên đỉnh vinh quang.
Nhưng theo nhận xét của DJ Deadmau5 trên trang bìa tờ Rolling Stones năm 2012 thì David Guetta “chẳng có kỹ thuật quái gì cả. Cậu chàng, với một cái laptop và một máy thu âm MIDI, mua vui bằng ba cái thứ nhạc tào lao. Cảm ơn Chúa vì vẫn có nhiều người thông minh phát giác ra loại chiêu trò như thế – ấy vậy mà có thiếu gì hàng tá những kẻ ấn nút chơi chơi ra nửa triệu đô la. Tôi không nói bản thân không phải là kẻ ấn nút đâu nhé. Tôi chỉ ấn nhiều nút hơn thôi.”
Trớ trêu thay, trong bài báo đánh dấu đỉnh điểm của làn sóng EDM này, Deadmau5 lột trần rất nhiều vấn đề trong cái thời đại bong mà anh và Guetta là những chủ chốt lèo lái cuộc chơi.
EDM là một khối bong bóng, không phải một cơn sốt nhất thời. Vô số những tờ báo cả tài chính lẫn nghệ thuật đã thừa nhận điều này. Trên tạp chí Death and Taxes, DJ Pangburn so sánh bong bóng EDM với “bong bóng hoa tu líp” ít tiếng tăm hơn một thời dậy sóng ở Hà Lan, “những quý ngài tài phiệt, những người mà 3 năm về trước chẳng quan tâm chó gì về nhạc điện tử thì bây giờ dẫm đạp tranh nhau đổ tiền vào cái hiện tượng này.” Cũng giống như “bong bóng hoa tu líp”, Pangburn quan ngại rằng nguồn năng lượng khổng lồ này có thể đột ngột lụi tàn do sức nặng đầu cơ từ giới kinh doanh. Bất kể mối quan tâm nguyên thủy dành cho nhạc điện tử có là gì, thì hiện nay độ đình đám của dòng nhạc này đang được bơm phồng bởi các tập đoàn, hơn là từ fans. Rồi cũng như một quả bóng bay, nó sẽ vỡ, nhưng theo một cách mà bạn không chắc sẽ nhận ra.
Những ông trùm kinh tế đã sáng chế ra EDM
Nhạc EDM hiện đại được phối bằng cách thay đổi và tổng hợp những âm thanh và những bài hát có sẵn. Thuật ngữ “DJ”, viết tắt của từ “disk jockey”, chỉ những người chỉnh nhạc với đĩa trên một dụng cụ gọi là turnable (bàn xoay), nhưng hầu hết DJ hiện đại chỉ chơi ở những sân vận động không gian kín với laptops và bảng điều chỉnh âm thanh (soundboards). Với âm thanh cải tiến từ thể loại house, phong trào techno và electronica những năm 90s, nhạc EDM hiện đại tập trung kích thích năng lượng, tạo hiệu ứng lan truyền, lôi kéo mọi người lao vào nhảy nhót cuồng nhiệt. Các nghệ sĩ luôn luôn chơi nhạc theo kiểu gia tăng áp lực âm thanh dần dần để chuẩn bị cho một màn “drop” khi tất cả các cấu trúc âm thanh bị thay đổi, lọt thỏm, kèm theo những luồng âm thanh biến dạng cực đại, đó là cách các DJ “nổi nhạc lên”, đối lập với phong cách điệp khúc bài hát truyền thống.
Cách thức mà các giới tài phiệt đầu tư kiếm lợi từ EDM cũng không giống với những dòng nhạc khác. Các ông chủ không quan tâm đến chữ cái “E” hay “M”, “D” mới là ưu tiên hàng đầu của họ. Yếu tố nhảy của dòng nhạc này khiến nó trở nên béo bở trong mắt giới kinh doanh. Nhạc EDM là nghe để nhảy ở tiệc tùng, clubs và lễ hội. Trong thời đại mà thị trường âm nhạc đạt lợi nhuận thấp kỷ lục thì vé đại nhạc hội là nguồn thu chính của các nghệ sĩ. EDM mặc định trở thành thể loại nhạc đòi hỏi người nghe trực tiếp chung vui.
Những nhà đầu tư sủng ái “D” đến mức họ sắm hẳn một vị trí cho nó – electronic dance music. Pangburn viết rằng:
“Hai năm trước chẳng có ai gọi nhạc điện tử là EDM cả. Thực ra thì nó đã tồn tại khá lâu rồi, nhưng ai lại dùng cái tên đó chứ? …Đều là chiêu trò xây dựng thương hiệu cả thôi”
Hãu hỏi bất cứ fan nhạc điện tử nào và họ sẽ nói với bạn rằng EDM là một cái tên ngớ ngẩn hỗn hợp từ những thể loại house, trance, dubstep, trap house, drum and bass, và vân vân. Vậy mà nhờ những triệu phú xào nấu tài tình, EDM nghiễm nhiên trở thành một thuật ngữ bao trùm. Thế nên mới nói những ngài tai to mặt lớn đã sáng chế ra EDM.
Những ông trùm kinh doanh mặt hàng đặc biệt này thông qua những nhà quảng cáo, công ty tổ chức sự kiện, những hội nhóm đằng sau những đại hội âm nhạc và các tụ điểm ăn chơi. Cái thiên tài của họ nằm ở việc tổ chứ hằng hà sa số những đại hội nhạc EDM trên khắp thế giới, từ Electric Daisy Carnival cho tới Tomorrowland và Ultra Music Festival. Vé đến những đại nhạc hội này được bán với giá hàng trăm đô la, với sự tham gia của hàng trăm ngàn fans — có 165,000 người tham dự Ultra Music Festival ở Miami năm 2012, theo tờ The New York Times.
Trong cùng một bài báo trên Times, Ben Sisario viết rằng “các bầu sô cho biết, những DJs hàng đầu có thể kiếm khá đến mức hơn 1 triệu đô khi diễn ở một nhạc hội và trên 10 triệu đô ở một nightclub khu ăn chơi Las Vegas.” Theo tờ Forbes, DJ giàu có nhất năm vừa qua là Calvin Harris với thu nhập khủng 66 triệu đô, vượt mặt những tên tuổi lớn như Jay-Z và Taylor Swift. Thành công của anh chàng này là nhờ vào hợp đồng hai năm với nightclub lớn nhất nước Mỹ, Hakkasan tại Las Vegas.
Thực tế này nhấn mạnh một nét độc đáo nữa của EDM – vì dòng nhạc này chủ yếu là trình diễn trực tiếp, phối nhạc và đòi hỏi nội đầu ra nội dung liên tục, nghệ sĩ thường chỉ chơi nhạc ở các câu lạc bộ chứ không phải những phòng hoà nhạc, và chơi nhạc liên tục nhiều tháng tại một địa điểm là hoàn toàn chấp nhận được. DJ có thể ký hợp đồng chơi nhạc hằng đêm tại cùng một câu lạc bộ, loại nhạc được mix thay đổi một tí tuỳ theo hứng, không bận tâm về việc thay đổi tụ điểm, được lo khoản xăng cộ ăn uống, và lai rai kiếm vài triệu đô.
Tóm lại, không một thể loại nhạc nào có thể cạnh tranh với kiểu “việc nhẹ lương khủng” này của EDM.
Liệu EDM có chết như thiêu thân?
Những người có cùng ý kiến như Sisario hay Pangburn tin rằng chính sự bùng nổ lợi nhuận sẽ dẫn đến án tử của EDM, người ta sẽ dừng mua vé để chứng kiến những cảnh tượng choáng ngợp mà giá của nó chỉ càng ngày càng đắt đỏ, và những nhà đầu tư chỉ còn biết xô đẩy nhau tháo chạy. Amy Thompson, quản lí tổ chức EDM Swedish House Mafia lên tiếng:
“Điều bạn không mong muốn chính là khi những cơn sốt lợi nhuận quy mô thành phố cùng những tiếng hò reo cuồng nhiệt qua đi, ba năm sau bạn khai phá sản, bạn là một nỗi ô nhục trong suốt 20 năm khi mới đó thôi bạn còn được toàn xã hội công nhận.”
Những lời của Thompson, hơn bất cứ ký hiệu đô la hay những con số khủng nào, khiến tôi giật mình. Nó nhắc tôi nhớ mình đã chóng chán brostep, witch house hay ngừng ngóng đợi những bản mashup, remix mới nhất từ lâu rồi. Tôi cũng không còn xuýt xoa khen ngợi một đĩa đơn mới nào của Tiesto hay Deadmau5 hàng tháng, thậm chí hàng năm. Những lời đó nhắc tôi nhớ về disco.
Người ta thường nói disco đã chết vào ngày 12 tháng 7 năm 1979, ngày mà hàng ngàn fans tập trung về Chicago để đốt cháy vô số những đĩa nhạc disco giữa mỗi hiệp đấu trong một trận double-header của đội White Sox. Chưa có điều đớn đau tương tự nào xảy đến với EDM, nhưng ánh hào quang yếu dần đi là điều không thể chối cãi.
Những nghệ sĩ nổi trội trong những năm qua như Disclosure, CHVRCHES, James Blake and Lorde đều phụ thuộc vào công nghệ synthesizer để tạo ra âm thanh riêng, nhưng không một ai trong số đó lên tiếng nhận nhạc của mình là EDM. Nhạc của họ chẳng thuần electronic, cũng ẩm ương không phải nhạc dance. Mỗi năm càng ít đi những bản electronic chính cống. “Where Are U Now” của Skrillex và “Hey Mama” của David Guetta là hai bản electronic duy nhất nằm trong top 10 bảng xếp hạng Billboard. Nhưng chúng nghe chẳng có gì như nhạc điện tử ồn ã cường độ cao. Cả hai đều lấy giọng của các ngôi sao như Justin Bieber và Nicki Minaj làm điểm nhấn. Riêng phần nhạc của “Hey Mama” bị lấn lướt bởi đoạn rap ngang tàn của Nicki Minaj làm nhiều người không khỏi thắc mắc David Guetta gây được tiếng vang gì từ bản nhạc này.
Nói về David Guetta, nếu ví giới nghệ sĩ EDM tào lao nhưng thu nhập rất cao như tổ hợp mụn nhọt trên một cái mông, Guetta hẳn là loại tuyệt đỉnh cực đại. Giới phê bình cũng như nhiều nghệ sĩ không ngừng phàn nàn việc Guetta thiếu trầm trọng tố chất của một nhạc sĩ cũng như năng lực trình diễn số không. Anh chàng này không là gì khác ngoài một nhà sản xuất vĩ đại. Anh ta không có phong cách cụ thể, không có một album đặc sắc nào. Không hề có một manh mối nghệ thuật nào mà nhìn vào có thể nhận ra ngay “đó là nhạc của David Guetta.”
Theo nhiều cách, EDM là hiện tượng bong bóng thành công đầu tiên, một khối bong bóng không vỡ. Cũng như đàn anh metal và country đi trước, EDM vẫn còn được nương tay khi chưa bị mổ xẻ bởi nhiều luồng ý kiến trái chiều, vẫn còn đủ hấp dẫn để lấp kín các sân vận động và hẻm núi mỗi dịp lễ hội âm nhạc thế giới.
Nhưng theo rất nhiều những cách nhìn khác đáng coi trọng hơn, thì bong bóng EDM đã vỡ tung toé lâu rồi. Với tuổi đời dưới 5 năm, nó được tạo ra, được đặt tên, được chắp vá, để bú mút rút ruột đến thân tàn ma dại, rồi thì bỏ mặc. Bằng cách thương mại hoá cả một nền tiểu văn hoá của nhạc điện tử, ngành công nghiệp âm nhạc biểu diễn đã biến EDM thành một thương hiệu, không hơn không kém.
Nhưng giờ cũng đã không còn là năm 2012, Deadmau5 và đồng nghiệp cũng không còn được lên bìa tạp chí Rolling Stones nữa. Văn hoá nhạc pop lại tiếp bước. Có lẽ những con số trên trang Spotify cũng sẽ thay đổi, nín thở mà chờ thôi.