Note 1 của Nick: Đây là một bài viết Madonna tự viết cho tạp chí Harper’s Bazaar vào tháng 10 năm ngoái, một bài viết khá thú vị khi Madonna, người đàn bà tưởng như chẳng còn gì là bí mật đối với thế giới (vì luôn rất phóng khoáng trong việc tiết lộ chúng), tiết lộ khá nhiều suy nghĩ thầm kín của bản thân mình xoay quanh chủ đề sự táo bạo và tính thách thức của bản thân. Đối với tôi thì đây là một bài viết rất hay và đáng đọc, bởi vì tôi đã lớn lên trong cái thứ tinh thần của Madonna (mà người đầu tiên dạy cho tôi lại chính là mẹ của tôi): Đừng hỏi Tại sao, hãy hỏi Tại sao lại không cơ chứ. Nhưng rất có thể với bạn, nó lại mang tính kích động quá nhiều, nó cũng đòi hỏi quá nhiều, và ở một khía cạnh nào đó, nó cũng quá đau thương.
Đúng, không phải ai trong chúng ta cũng là Madonna, có cái thứ tài năng xuất chúng của cô, muốn những thứ như cô, cần những thứ như cô, và sẽ đạt được chúng như cô. Nhưng đó mới chính là điều thú vị của bài viết này mà bạn cần phải đọc cho kĩ để nhận ra: Madonna không làm những thứ cô đã làm và trở thành Madonna ngày hôm nay vì ước mơ trở thành Nữ hoàng nhạc Pop, cô làm những điều đó đầu tiên là bởi vì cô không muốn tin vào những thứ có sẵn và ai cũng tin, thậm chí buộc phải tin. Cô đã bắt đầu làm những điều đó vì một sự băn khoăn rất lớn về thế giới chúng ta đang sống, và về cuộc sống: Nó chỉ có thế thôi sao? Nó không thể tốt hơn sao? Hay đơn giản là, nó không thể khác sao?
Và đó mới là lí do tôi muốn dịch bài viết này và chia sẻ với bạn. Để khi đọc xong, bạn sẽ muốn tự hỏi mình một câu hỏi: Mình chỉ có thế này thôi sao, cuộc sống của mình sẽ chỉ thế này thôi sao?
Ngày hôm nay, hãy thức dậy và thử muốn làm một điều gì khác?
Note 2 của Nick: Bài báo này thực ra còn dài hơn nữa, Madonna tiếp tục nói đến sự táo bạo và thử thách của những lứa tuổi sau đó của cô, 35, 45, 55. Nhưng tôi dừng lại sớm, vì không muốn câu chuyện của chúng ta lan man hơn nữa. Dừng ở lứa tuổi 25 để có lẽ những suy nghĩ sẽ phù hợp với các bạn đọc hơn. Ngoài ra, phần sau của Madonna nói nhiều về đức tin, tôn giáo và lòng yêu thương nhân loại, chính tôi cũng không cảm thấy đủ thú vị. Nên chỉ chọn phần mình thích nhất của bài viết để dịch.
{source}
TRUTH OR DARE?
Đó dường như là một cụm từ gắn liền với tôi. Tôi đã từng làm một bộ phim tài liệu với chính tên gọi này, và kể từ đó cụm từ này dính với tôi như băng keo. Đây cũng là một trò chơi vui, nếu bạn sẵn sàng táo bạo một chút, và tôi thì thường là như thế. Tuy nhiên, phải chơi trò này với một nhóm người thông minh bạn nhé, không thì kết cục của bạn sẽ nhạt toẹt theo kiểu bị bắt hôn nụ hôn kiểu Pháp với tất cả mọi người có mặt hoặc làm trò đang bú c*c với cái chai nước lọc mà thôi!
Thường thì mọi người sẽ chọn “truth” – nói thật, khi đến lượt mình, đơn giản bởi vì bạn luôn có thể nói dối một điều gì đó mà không ai có thể vạch mặt bạn, nhưng khi bạn chọn “dare” – thử thách, bạn sẽ thực sự phải thực hiện cái thử thách đó. Và cái việc phải làm một điều gì đó có tính thử thách, táo bạo, là một tình huống đáng sợ đối với hầu hết mọi người. Thế nhưng, vì một lí do kì cục nào đó, nó lại trở thành raison d’être (reason to be – ND) – lẽ sống của tôi.
Nếu như tôi không thể táo bạo trong công việc hay trong cách tôi sống cuộc sống của tôi, thì thực sự tôi không tìm thấy lí do cho sự tồn tại của mình trên hành tinh này.
Nghe thì có vẻ hơi cực đoan nhỉ, nhưng sự thật là lớn lên tại một khu ngoại ô của vùng Midwest (1 trong 4 khu vực địa lý chính của nước Mỹ, bao gồm 12 bang thuộc vùng Trung Bắc nước Mĩ, nằm kẹp giữa bờ Đông và bờ Tây – ND) là tất cả những gì tôi cần để hiểu ra rằng thế giới này được chia làm hai nhóm người chính: nhóm người theo đuổi những mệnh đề/định lý có sẵn và sống an toàn, và nhóm người sẵn sàng ném mớ định lý đó qua cửa sổ và tìm cho mình một lối đi khác. Tôi ném mình vào nhóm người thứ hai, và nhanh chóng nhận ra rằng làm một kẻ chống đối không hề khiến cho bạn được yêu thích. Ngược lại là đằng khác. Mọi người sẽ luôn nhìn bạn với con mắt nghi hoặc. Coi bạn là kẻ phá rối. Thậm chí là một kẻ nguy hiểm.
Khi bạn mới 15 tuổi, điều này có lẽ là hơi phiền phức. Lũ nhóc tuổi teen luôn muốn một bên thì vẫn làm hài lòng mọi người nhưng một đằng lại muốn chống đối. Dù sao thì đối với tôi việc lén uống bia và hút cần ở khu đậu xe sau trường học không phải là cách để chống đối – đứa nhóc nào tuổi đó cũng làm vậy mà. Và tôi thì không muốn làm cái thứ việc bất cứ ai khác (cùng tuổi) cũng làm. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng phải không thèm cạo lông chân và lông nách mới là cool! Tôi đã nghĩ rằng, Chúa ban cho ta mớ lông đó để làm gì chứ? Rồi bọn con trai thì sao, sao chúng không phải cạo? Rồi tại sao ở Châu Âu thì người ta cũng okay với việc không cạo, mà ở Mĩ thì lại không? Không ai có thể làm hài lòng tôi với câu trả lời của họ, nên tôi lại còn làm quá hơn nữa. Tôi nhất định không chịu trang điểm, và quấn khăn lên đầu kiểu nông dân Nga. Tôi làm tất cả mọi thứ ngược lại hoàn toàn với tất cả bọn con gái khác, và biến mình thành một kẻ xua đuổi bọn đàn ông. Tôi thách thức chúng dám thích tôi và cái sự trái khoáy của tôi.
Sự việc hoá ra là chẳng hay ho cho lắm. Phần lớn mọi người nghĩ rằng tôi quá kì quặc. Tôi không có nhiều bạn, nếu không muốn nói là không có ai luôn. Nhưng thực ra việc đó lại thành hay ho, vì khi bạn không nổi tiếng và được yêu thích và không có nhiều giao tiếp trong cuộc sống, bạn lại có nhiều thời gian hơn để dành cho việc tập trung vào xây dựng tương lai cho mình. Và đối với tôi, đó là việc tôi tìm đến New York để trở thành một nghệ sĩ THỰC THỤ. Để có thể thoải mái thể hiện bản thân mình trong một thành phố toàn những kẻ trái khoáy. Để được nhảy nhót thoải mái trong một thế giới vây quanh bởi những kẻ táo bạo.
Nhưng hoá ra New York lại chẳng phải những gì tôi đã nghĩ về nó. Nó không giang rộng cánh tay ra chào đón tôi. Trong năm đầu tiên, tôi bị dí súng vào người một lần. Bị cưỡng hiếp trên nóc của một toà nhà, nơi tôi bị lôi lên với một con dao dí sau lưng, và căn hộ tôi ở bị đột nhập 3 lần tất cả. Tôi không hiểu lắm, sau khi tôi đã bị lấy trộm mất cái radio sau lần đột nhập đầu tiên tôi làm gì còn cái gì đáng giá trong nhà cơ chứ.
Nhưng những toà nhà cao ngất và sự rộng lớn của New York khiến tôi ngạt thở. Những vỉa hè nóng bốc lửa, tiếng ồn ào của đường phố và luồng điện chạy giữa những người vội vã bước qua tôi trên phố khiến cho hệ thần kinh của tôi như bị điện giật. Cảm giác giống như là tôi đã được cắm vào một vũ trụ hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy mình giống như một chiến binh, một dũng sĩ, phải lao đi giữa cái đám đông hỗn loạn đó để tìm đường sống. Máu chảy rần rật trong cơ thể, và tôi thì phải gồng mình lên để sống sót. Đó là lúc tôi cảm thấy mình đang sống.
Nhưng cùng lúc đó thì tôi cũng thấy sợ phát khiếp lên với việc đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi nước tiểu hay bãi nôn, nhất là ở lối đi vào của ngôi nhà nơi tôi đang ở trên tầng 3.
Và cả những kẻ vô gia cư trên đường phố. Đây không hề là những gì tôi đã chuẩn bị cho mình khi còn ở Rochester, Michigan. Phấn đấu để trở thành một vũ công chuyên nghiệp, kiếm tiền trả tiền thuê nhà bằng cách làm người mẫu khoả thân cho các lớp dạy vẽ, trợn trừng mắt lên nhìn ngược lại những kẻ đang nhìn chằm chằm vào cơ thể loã lồ của tôi. Thách thức họ nghĩ về tôi không gì ngoài việc là một dáng hình mà họ đang cố khắc hoạ lại bằng than và chì. Tôi đã chống trả mãnh liệt, cố gắng cuồng loạn để sinh tồn. Và để vươn lên. Nhưng nó quá khó khăn và quá cô đơn và mỗi ngày tôi đều phải thách thức bản thân mình để tiếp tục bước tới. Thi thoảng tôi lại tự cho phép mình yếu đuối một chút và trốn trong cái căn phòng bé như cái hộp giầy của mình để khóc, cái căn phòng có một cửa sổ nhìn thẳng vào một bức tường và khung cửa thì đầy phân chim bồ câu. Và những lúc đó, tôi băn khoăn tự hỏi thực sự thì tất cả những thứ này có đáng không, nhưng rồi tôi lại gom nhặt những mảnh vỡ của bản thân mình lại và nhìn lên tấm bưu thiếp có hình Frida Kahlo (nữ hoạ sĩ đầu thế kỉ 20 người Mexico, nổi danh với sự kiên cường và tinh thần cổ vũ nữ giới – ND) mà tôi dán trên tường, và hình ảnh của bà với hàng ria mép vỗ về an ủi tôi. Bởi vì bà là một người nghệ sĩ chưa từng lo lắng về việc người khác nghĩ gì. Tôi kính trọng bà. Bà là người táo bạo. Mọi người lên án bà, cuộc đời làm khổ bà. Nhưng nếu bà làm được, tôi cũng sẽ làm được.
Khi bạn 25 tuổi, việc là một người táo bạo có vẻ dễ dàng hơn, nhất là khi bạn lại là một ngôi sao ca nhạc, bởi vì người ta còn mong đợi những hành động kì quặc từ bạn. Tất nhiên, khi đó thì tôi đã cạo sạch lông nách, nhưng ngược lại, tôi cũng đeo trước cổ mình nhiều thánh giá nhất có thể, và trả lời trong các cuộc phỏng vấn rằng tôi làm thế vì tôi nghĩ Chúa Jesus thật sexy. Kể ra thì Chúa Jesus đối với tôi cũng sexy thật, nhưng tôi nói thế còn là để đâm bị thóc chọc bị gạo. Tôi có một mối liên hệ khá buồn cười đối với tôn giáo. Tôi là một con tin ngoan đạo đối với những cư xử tôn giáo nếu chúng không làm tổn hại đến ai. Nhưng tôi lại không phải là kẻ ngưỡng mộ của luật lệ. Và đương nhiên chúng ta không thể sống trong một thế giới mà không có trật tự. Nhưng đối với tôi, có một khác biệt rất lớn giữa trật tự và luật lệ. Luật lệ là những thứ người ta phải tuân theo mà không được thắc mắc. Còn trật tự là thứ chỉ xuất hiện khi lời nói và hành động mang con người lại bên nhau, chứ không phải là tách họ ra khỏi nhau. Đúng là tôi rất thích đâm bị thóc chọc bị gạo, nó có từ trong máu tôi rồi. Nhưng có đến 9 trong số 10 lần tôi làm thế, là vì tôi thực sự có lí do để làm thế.
**************************************************************************************************************************
Note 3 của Nick: Sau khi tuyên bố sẽ không dịch phần còn lại của bài viết này, thì cuối cùng Nick lại vẫn dịch nốt. Và vì thế, hãy đọc tiếp phần còn lại của bài viết này tại đây.
One thought on “Madonna nói về sự táo bạo và thách thức”