Note của Nick: Đây là một bài viết đặc biệt thú vị mà mình tìm được về một chủ đề cũng thú vị – những câu hỏi phỏng vấn của công ty hot nhất thế giới, và quan trọng hơn, là cách để trả lời chúng, từ đó, đưa ra một lý thuyết, một lối suy nghĩ rất đáng để học hỏi. Nhất là với mình, khi lớn lên và học tại Việt Nam, rất ít khi được dạy và khuyến khích lối suy nghĩ độc lập và logic như thế này. Bài viết dài khủng khiếp nên mặc dù đã bắt đầu dịch nó từ mấy tháng nay đến giờ vẫn chưa hoàn thành nữa vì quá mệt mỏi với nó (haha) tuy nhiên vì cực kì muốn post nó rồi nên hôm nay đã hoàn thành được một nửa và quyết định cắt nó thành hai phần để có thể post được phần 1 trước, đồng thời làm động lực và sức ép để cố gắng hoàn thành nốt phần còn lại sớm nhất có thể, mà như vậy cũng dễ đọc hơn đối với các bạn, chứ đọc cả bài dài quá mệt lắm 🙂
{Nguồn}
Làm sao để trả lời được câu hỏi phỏng vấn mở-đến-điên-đầu của Google
Một trong những công cụ quan trọng của việc tư duy phản biện có liên quan đến những con số là cho phép bản thân bạn sáng chế ra những câu trả lời sai đối với những rắc rối toán học mà bạn gặp phải. Cứ thoải mái mà trả lời sai!
Kể cả những kĩ sư hay các nhà khoa học còn làm việc này hoài à, nên chẳng có lí gì mà chúng ra không khám phá cái bí mật nho nhỏ này của họ: cái nghệ thuật ước lượng, hay còn được gọi là phép tính “nháp trên mặt sau từ giấy ăn”. Nhà văn Anh Quốc Saki từng viết, “một chút sai số lại tiết kiệm được rất nhiều lời lí giải”.
Từ hơn một thập kỉ nay, trong những cuộc phỏng vấn việc làm của Google, họ luôn hỏi các ứng viên những câu hỏi không có câu trả lời. Google chính là cái công ty mà sự tồn tại của nó hoàn toàn phụ thuộc vào những sự cải cách-sáng tạo ra những thứ mới và trước giờ chưa từng tồn tại, và chau chuốt những ý tưởng hay công nghệ đã có nhưng lại có thể giúp con người làm được những việc trước giờ họ không thể làm.
Điều này hoàn toàn đối lập với cách phỏng vấn việc làm của hầu hết những công ty khác: Khi phỏng vấn về các kĩ năng, họ cần biết rằng bạn có thể thực hiện những công việc họ cần bạn phải làm.
Còn Google thì thậm chí còn chẳng biết họ cần một nhân viên mới của họ phải có kĩ năng gì nữa. Điều mà họ cần biết là liệu người nhân viên mới đó có thể tìm ra cách để giải quyết những vấn đề mình gặp phải hay không.
Chuyện người căng dây đàn và những ngôi nhà chọc trời
Hãy cùng suy nghĩ về câu hỏi sau, đã từng được thực sự hỏi tại một buổi phỏng vấn công việc tại Google: Toà nhà Empire State nặng bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi mà hoàn toàn không hề có câu trả lời chính xác, có Chúa mới biết nó nặng bao nhiêu. Bản thân Google cũng không hề quan tâm đến câu trả lời chính xác, cái mà họ quan tâm chính là cái hành trình đi tìm câu trả lời. Họ muốn nhìn thấy một cách tiếp cận có tư duy và duy lý trí đối với cái rắc rối này, bởi có như thế họ mới nhìn thấy được cái cách mà ứng viên của mình sử dựng đầu óc của mình để suy nghĩ, và tiềm năng của một cá nhân về mặt tư duy.
Có bốn cách phản ứng thường thấy trước câu hỏi này. Người ta có thể vung hai tay lên trời và kêu lên, “Tôi chịu thôi!” hoặc bò lên mạng tìm kiếm câu trả lời ở đâu đó.
Cách thứ ba? Hỏi thêm thông tin. Khi bạn hỏi về “cân nặng của toà nhà Empire State”, là bạn muốn hỏi khi có cả nội thất hay không có nội thất? Tôi có phải tính thêm cả số người trong đó không? Nhưng những câu hỏi như thế này thật ra hoàn toàn vô dụng, thậm chí gây phân tán tư tưởng. Chúng không hề kéo bạn lại gần hơn với câu trả lời, thậm chí còn khiến bạn bị trì hoãn trong quá trình đi tìm kiếm lời giải đáp.
Phản ứng thứ tư mới là cách đúng nhất, sử dụng kĩ năng ước lượng, hay còn gọi là ước đoán. Những câu hỏi kiểu này được gọi là những câu hỏi ước lượng, hay câu hỏi Fermi, đặt theo tên nhà vật lí Enrico Fermi, người nổi danh nhờ việc có thể ước lượng dựa trên gần như không có bất cứ thông tin hay dữ liệu nền nào cả, đối với những câu hỏi tưởng như không thể tìm được câu trả lời. Nghệ thuật ước lượng ở đây bao gồm việc thực hiện một loạt những dự đoán có tính hệ thống bằng cách chia nhỏ câu hỏi ra làm từng phần nhỏ dễ kiểm soát hơn, nhận định các giả thuyết, và sau đó sử dụng các kiến thức nền tảng của bạn về thế giới để đắp vào những chỗ còn trống.
Ví dụ nha, bạn sẽ trả lời câu hỏi Fermi sau như thế nào, “Có bao nhiêu người làm nghề căng dây đàn piano ở Chicago?”
Phải bắt đầu từ đâu đây? Đối với rất nhiều những câu hỏi Fermi kiểu này, sẽ rất có ích nếu bạn bắt đầu bằng việc ước lượng một vài con số trung bình trước, những con số sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến câu trả lời. Trong trường hợp này chẳng hạn, sẽ dễ hơn nếu bắt đầu từ việc ước lượng số đàn piano ở Chicago, từ đó sẽ ra được số lượng người cần để chỉnh đàn.
Có vô vàn cách để trả lời những câu hỏi này, nhưng con số cuối cùng không phải là mục đích, mà chính là quá trình suy nghĩ và biện luận, với những ước lượng và phỏng đoán.
Để trả lời một câu hỏi Fermi, đầu tiên chúng ta phải liệt kê ra những điều chúng ta cần biết, sau đó liệt kê đến những phỏng đoán:
- Bao lâu người ta cần chỉnh đàn một lần
- Mỗi lần chỉnh đàn mất bao lâu
- Trung bình một người thợ chỉnh đàn làm việc bao nhiêu tiếng mỗi năm
- Số lượng đàn piano tại Chicago
Sau khi đã giải đáp được hết những thắc mắc này, chúng ta sẽ đến được gần hơn với câu trả lời. Biết được bao lâu người ta chỉnh đàn một lần và mỗi lần chỉnh đàn mất khoảng bao lâu, bạn sẽ biết được số giờ tổng cộng dành cho việc chỉnh một chiếc đàn. Nhân số này với số đàn piano có ở Chicago sẽ ra tổng số thời gian người ta dành cho việc chỉnh đàn mỗi năm. Rồi giờ mang con số này ra chia cho số giờ trung bình một người thợ chỉnh đàn làm việc, và thế là bạn có được số người thợ chỉnh đàn.
Phỏng đoán 1: Trung bình mỗi năm chủ đàn sẽ cho chỉnh đàn một lần.
Con số này từ đâu ra? Là tôi bịa ra đó! Nhưng đó chính là việc bạn phải làm khi bạn đang thực hiện một việc ước lượng. Tất nhiên, con số bịa này cũng phải nằm trong một tương quan hợp lý: Trung bình một người chủ đàn không đến nỗi mười năm mới cho chỉnh đàn một lần, nhưng cũng không đến nỗi chỉnh đàn mười lần một năm. Mỗi năm một lần xem ra có vẻ là một sự phỏng đoán ước lượng (ở đây tác giả dùng một từ rất hay – guesstimate – phỏng đoán ước lượng) hợp lý.
Phỏng đoán 2: Mất khoảng 2 tiếng để chỉnh dây cho một cây đàn. Lại là đoán mò. Có thể chỉ mất 1 tiếng thôi, nhưng 2 tiếng nghe ra hợp lý, thế là đủ rồi.
Phỏng đoán 3: Mỗi năm trung bình một người thợ chỉnh đàn làm việc bao nhiêu tiếng? Hãy cùng phỏng đoán là 40 tiếng mỗi tuần, và anh ta sẽ có 2 tuần nghỉ, tính ra là: 40 tiếng x 50 tuần là bằng 2000 tiếng mỗi năm. Vì thợ chỉnh đàn phải tự đi đến chỗ có cây đàn cần chỉnh, chứ chẳng có chủ đàn piano nào lại bê đàn của mình đến chỗ chỉnh cả, và vì thế sẽ có đến khoảng 10-20 phần trăm thời gian làm việc của người thợ là dành vào việc đi lại. Hãy ghi nhớ điều này để còn trừ nó ra khỏi tính toán tổng cộng cuối cùng.
Phỏng đoán 4: Để có thể ước lượng toàn bộ số đàn piano ở Chicago, có thể bắt đầu bằng việc cho rằng cứ 1 trong số 100 người có một cây đàn – đương nhiên, lại là đoán mò, tuy nhiên vẫn là đoán mò trong tương quan hợp lý. Thêm vào đó, còn có rất nhiều những ngôi trường và học viện có đàn piano, nhiều đàn là đằng khác. Việc ước lượng dựa trên thực tế này chính ra khá là lằng nhằng, nhưng thôi hãy lại phỏng đoán rằng số lượng đàn này nhiều ngang số đàn tư nhân đã tính. Vậy là tính ra trung bình cứ 2 trong số 100 người có đàn piano.
Nào giờ là đến dân số của Chicago. Nếu bạn không biết con số cụ thể, thì ít nhất bạn cũng phải biết nó là thành phố lớn thứ ba nước Mĩ sau New York (8 triệu dân) và Los Angeles (4 triệu dân). Vậy là chắc khoảng 2,5 triệu dân. Tính ra số lượng đàn piano sẽ là 50,000.
Vậy là chúng ta có những phỏng đoán sau:
- Chicago có 2,5 triệu dân.
- Trung bình cứ 2 trong số 100 người có đàn piano.
- Có 50,000 cây đàn piano tại Chicago.
- Mỗi năm một cây đàn được chỉnh một lần.
- Mất 2 tiếng để chỉnh một cây đàn.
- Mỗi năm một người thợ chỉnh đàn làm việc 2000 tiếng.
- Như vậy, mỗi năm một người thợ chỉnh được 1000 cây đàn (lấy 2000 giờ làm việc chia cho 2 tiếng chỉnh một cây).
- Như vậy, để chỉnh hết 50,000 cây đàn sẽ cần 50 người thợ (lấy 50,000 chia cho 1000).
- Cộng thêm 15 phần trăm thời gian đi lại vào con số này, chúng ta sẽ có con số cuối cùng là khoảng 58 người thợ.
Câu trả lời thật sự là gì? Theo cuốn Những Trang Vàng tại Chicago thì có đến 83 người thợ được liệt kê. Có một vài trường hợp trùng lặp (khi cùng một người có đến 2 số điện thoại sẽ được liệt kê 2 lần), và trong số những người được liệt kê có một số người làm về kĩ thuật liên quan đến đàn piano và organ những lại không phải thợ chỉnh đàn. Nếu trừ khoảng 25 người rơi vào trường hợp này đi, thì 58 có vẻ là một con số rất gần với thực tế.
Khoan đã, thế còn vụ Empire State Building thì sao?
Đón xem phần 2 của bài viết nha.
One thought on “Làm sao để trả lời được câu hỏi phỏng vấn mở-đến-điên-đầu của Google”