4 điều những người sắp du lịch Nhật nên biết

Note của Nick: Thời gian vừa rồi thấy nhiều bạn đi du lịch Nhật Bản quá, tiếc là đã không có bài báo này sớm hơn để chia sẻ với các bạn. Nhưng dù sao thì Nhật vẫn sẽ luôn là một điểm nóng du lịch không có nhu cầu hạ nhiệt, và văn hoá Nhật vẫn sẽ luôn là một nền văn hoá có rất nhiều điều đáng để tìm hiểu. 

Bài báo này là một chia sẻ của biên tập viên La Phối Lâm từ nguồn tiếng Nhật của cô. Biên tập viên siêu nhân, tiếng Anh tiếng Nhật bắn hai súng hai tay pằng pằng cùng lúc, thật đáng ngưỡng mộ!

4 điều những người sắp du lịch Nhật nên biết

{Source}

Những năm gần đây, lượng du khách nước ngoài đến thăm xứ sở mặt trời mọc càng ngày càng tăng. Cũng theo đó mà nảy sinh nhiều rắc rối, hiểu lầm giữa khách du lịch và người Nhật bản xứ.

Do nhiều bất cập trong văn hóa và tập quán, cho nên dù không có ác ý nhưng đôi khi người Nhật vẫn khiến du khách cảm thấy rất khó chịu. Vậy thì để có thể thoải mái tận hưởng trọn vẹn chuyến đi chơi này, bạn cần phải chú ý những điểm gì?

Hôm nay Matcha xin giới thiệu đến mọi người 4 điều “cần lưu ý trước khi du lịch Nhật Bản” được chia sẻ từ anh Eric, một writer người Đài Loan du lịch Nhật như đi chợ.

Bài viết này dành cho: người nước ngoài có ý định viếng thăm nước Nhật muốn tránh né tối đa những rắc rối văn hóa; và người Nhật cũng nên đọc để hiểu nhằm đối đãi khách du lịch cho phù hợp.

Đi bộ phía bên phải

Ở Nhật quy định người đi bộ phải đi bên lề phải. Nếu bạn đến từ một đất nước mà người dân đều đi bộ bên trái thì đây chính là điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ khi đến Nhật.

Nếu không lưu tâm điều này, và cứ nhè lề trái mà đi phăm phăm lại còn ôm thêm một chiếc cặp bự thì chắc chắn bạn sẽ bị va phải rất nhiều người trên đường, hơn thế nữa, vào những giờ cao điểm đông người đông xe thì cứ gọi là lóng ngóng vã hết mồ hôi. Chỉ cần nhớ điều này trước nhất thì trong lúc thăm thú nước Nhật sẽ giảm được đáng kể cảm giác bất tiện đấy.

Dĩ nhiên luật này không chỉ áp dụng cho đường bộ mà cả đường cao tốc cũng thế. Đặc biệt là nếu bạn có dịp đạp xe vòng quanh Tokyo thì lại càng phải chú ý. Xe đạp và xe ô tô không đi bên phải như đường bộ mà được thống nhất là bên trái. Nhớ là tuyệt đối không được chạy lăng quăng lấn sang đường dành cho xe lớn. Ngay cả văn hóa đi cầu thang và thang máy cũng khác với nước ngoài nên cũng phải cẩn thận.

Trên xe điện kín người phải đeo ba lô phía trước

Nhiều khách tham quan khi đi xe điện vào giờ người Nhật đổ xô đi làm thường rất kinh ngạc.

Chẳng hiểu vì lẽ gì mà mới vừa bước vào xe thì liền bắt gặp gương mặt sung sỉa khó chịu của mọi người xung quanh. Lý do chính là chiếc ba lô bạn đang đeo trên lưng đấy!

Thường thì trong khoang xe cả chỗ đứng cũng không đủ mà bạn còn đeo nguyên ba lô to đùng thì sẽ không có khoảng trống để người khác chen vào.

Vì vậy đừng trách sao mọi người lại nhìn mình bằng cặp mắt hình viên đạn nhé… Nhưng bạn đừng lo, có một cách giải quyết vô cùng đơn giản! Trước khi bước vào xe chỉ cần cởi ba lô trên lưng ra và ôm phía trước. Trong trường hợp tay bạn không rảnh rang, hoặc vì lý do gì nó mà không xách được đồ nặng, thì hãy quải trên vai nhưng xoay cặp về trước ngực. Làm như thế sẽ thể hiện cho người khác thấy rằng bạn quan tâm đến họ đấy.

Khi đi ăn hãy làm theo hướng dẫn của nhân viên nhà hàng

Khi đi ăn ở các hàng quán bên Nhật, trước tiên bạn phải cất giọng gọi nhân viên, rồi sau đó mới đi đến ghế ngồi theo sự hướng dẫn của họ.

Dù thấy sẵn ghế trống nhưng người Nhật rất ít khi trực tiếp tự mình ngồi vào chỗ luôn.

Có rất nhiều lý do mà người Nhật làm vậy. Có thể là do bàn ăn chưa được dọn dẹp sạch sẽ, hoặc trà nước chưa được đem lên cho khách.

Người Nhật quan niệm để đem lại dịch vụ tốt cho khách hàng thì mọi thứ phải được chuẩn bị chu đáo xong rồi mới mời khách ngồi xuống bàn.

Khi tính tiền ở các quán nhậu Nhật, sẽ có lúc bạn phải trả nhiều hơn phần ăn đã gọi

Người nước ngoài nhìn vào văn hóa quán nhậu ở Nhật sẽ thấy rất hấp dẫn và thú vị.

Có người hào hứng nói rằng “Khi đến Nhật tôi nhất định phải trải nghiệm ăn nhậu ở các quán rượu kiểu Nhật mới được!”

Không hiếm những du khách có suy nghĩ như thế. Và cái thường khiến họ bị shock khi đi ăn ở các quán kiểu này chính là văn hóa お通し(Otooshi) (món khai vị) và 席料 (Sekiryou) (phí ghế ngồi). Không ít rắc rối kiểu như khi gọi tính tiền, du khách nổi cơn tam bành cho rằng quán lừa mình vì bị thu phí cao hơn những món đã gọi.

Thực ra định nghĩa của お通し (Otooshi) là những món khai vị dùng trước khi món chính hoặc rượu được dọn ra, và phần ăn này, dù bạn có không hề đụng đũa đi nữa, sẽ bị tính tiền. Nếu bạn biết tiếng Nhật thì tốt nhất trước khi ăn hãy chủ động từ chối phần ăn khai vị này để tránh bị tính tiền oan nhé.

席料 (sekiryou) được hiểu theo đúng nghĩa đen là phí bàn ghế khi ngồi trong quán, đôi khi cũng được gọi là phí phụ thu hoặc phí vào quán. Thường thì phí này sẽ áp dụng ở các nhà hàng, quán bar cao cấp. Để cho an toàn thì trước khi gọi món cứ hỏi trước cho chắc, tránh cảm giác uất ức khó chịu trong suốt chuyến đi chơi.

Những điều đương nhiên trong văn hóa của người Nhật nhưng đối với người nước ngoài lại khó chấp nhận. Đây là những luật ngầm tiểu tiết ít được nhắc đến trong sách hướng dẫn du lịch nhưng lại hiện hữu rất nhiều trong đời sống. Muốn tiếp thu ngay quả thật rất khó, nhưng để có thể dung hòa sự khác biệt giữa các nền văn hóa thì xã hội Nhật cũng như du khách cần thấu hiểu và ứng dụng những điểm trên.

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s