Note của Nick: Một tin tức khá cũ, từ năm 2014, nhưng về một vấn đề còn cần rất nhiều thời gian để thay đổi, nên cũng không hẳn là cũ đến thế. Nhưng là thêm một khía cạnh rất quan trọng để nhìn nhận vấn đề: trong khi Nhật Bản có thể coi là một trong những đất nước có sức tăng trưởng và tiến bộ khiến thế giới kinh hoàng, và giới trẻ toàn thế giới loá mắt trước những lấp lánh tuyệt sắc của văn hoá Nhật, thì ẩn sâu trong lòng nước Nhật là những vấn đề không hề đơn giản: luôn là nước dẫn đầu về tỉ lệ tử tự trong giới trẻ mà những lí do lớn nhất là áp lực công việc, sự căng thẳng của lối sống hay tệ hơn, sự mất phương hướng – một bộ phận giới trẻ Nhật lớn lên không biết mình cần gì, muốn gì, nên làm gì, trở thành ai, và chọn cái chết. Và đây, thêm một vấn đề vô cùng tệ hại nữa: bất bình đẳng giới. Đằng sau sự lấp lánh quá mức hấp dẫn của đất nước có bề dày văn hoá cả truyền thống và hiện đại đều vô cùng đặc sắc đó, lại là những góc tối thật buồn thảm.
Nước Nhật đứng gần chót bảng xếp hạng bình đẳng giới

{source} Dịch bởi La Phối Lâm
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ bình đẳng nam nữ thấp nhất trong khối nước phát triển, năm 2014 đứng thứ 104/142 quốc gia trên thế giới, thấp hơn cả Tajikistan và Indonesia.
So với năm 2013, Nhật Bản chỉ tăng một hạng nhờ vào những thay đổi nhỏ nhặt trong vài lĩnh vực, ví dụ chế độ lương thưởng cho nhân viên nữ. Tuy nhiên, số lượng viên chức pháp luật là nữ vẫn ở mức rất thấp so với các nước khác.
Báo cáo bình đẳng nam nữ bởi tổ chức Thụy Sĩ được tổng hợp từ những dữ liệu từ đầu năm 2014 và do đó đã bỏ sót sự kiện ông Shinzo Abe bổ nhiệm thêm 5 nữ bộ trưởng vào tháng 9.
WEF cũng cho biết cân bằng kinh kế giữa hai giới vẫn chưa thể đạt mức toàn cầu trong 8 thập kỷ tới.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng những thành tựu và cơ hội của nữ giới tại nơi làm việc chỉ bằng 60% so với nam giới, tăng 4% kể từ năm đầu báo cáo (56% năm 2006). Cứ theo đà này, đối trọng kinh tế giữa hai giới chỉ có thể đạt được sau 81 năm nữa.
“Còn rất nhiều thứ để làm,” bà Saadia Zahidi, lãnh đạo chương trình bình đẳng nam nữ của WEF và chủ biên của báo cáo trên cho biết. “Tốc độ thay đổi trong một số lĩnh vực cần phải được xúc tiến quyết liệt hơn.”
“Bình đẳng giới đóng vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế”, ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và chủ tịch WEF phát biểu. “Nhưng quan trọng hơn cả, bình đẳng giới là biểu hiện của chính nghĩa.”
Báo cáo này phân tích địa vị của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị và y tế.
Iceland dẫn dầu danh sách 6 năm liên tiếp, theo sau là Phần Lan và Na-Uy cũng giữ nguyên thứ hạng so với những năm trước.
Mỹ đứng thứ 20, Trung Quốc xếp 87 và Hàn Quốc ở vị trí 117.
Nhật Bản đứng thứ 37 xếp hạng về sức khỏe và tuổi thọ, 93 về thành tựu học vấn, và 102 trong hoạt động tham gia kinh tế và cơ hội thăng tiến.