(Repost from 2017)
Sau rất nhiều, rất nhiều lần tuyên bố quỳ trước các nhà làm phim Hàn Quốc, nhưng thật ra chưa lần nào quỳ cả, thì cuối cùng lần này em đã tâm phục, khẩu phục, toàn bộ tâm hồn và thể xác phục các bạn ý với Reply 1988. Hôm nay ngủ dậy sẽ chụp ảnh quỳ để minh chứng!
Quỳ.
Nhất bái kịch bản. Ý tưởng kịch bản ôn nghèo kể khổ vô cùng mà hoá ra lại là khoe giàu kể mạnh level max. Một ý tưởng kịch bản phim truyền hình viễn tưởng (vì vốn không ai nghĩ rằng một ý tưởng như thế có thể thành công!), bởi vì phim truyền hình vốn được gọi là tivi drama, tức là phải có drama – thế nhưng phim này chẳng có drama gì cả – một bộ phim không có nhân vật chính, chẳng có nhân vật phụ, không có phe chính diện cũng chẳng có phe phản diện. Các nhân vật cứ chia đều nhau đất diễn trên nền một câu chuyện thường ngày dàn trải, như là một bộ phim tài liệu, như một chương trình truyền hình thực tế đặt máy quay trộm vậy thôi (mà còn đặt vào cái chỗ chả ai có nhu cầu đặt). Một ngõ nhỏ với 5 gia đình, 5 đứa trẻ, 4 ông bố và 3 bà mẹ, chỉ đủ để khắc hoạ một góc rất, rất nhỏ của đất nước Hàn Quốc. Có nhà nghèo, có nhà giàu, có nhà trung lưu vừa phải, nhưng rõ là cùng nhau chia sẻ những ngày tháng Hàn Quốc còn rất lạc hậu của 1988. Ai cũng hiền lành, tốt bụng, thậm chí có chút đáng yêu, như những người dân lao động bình thường. Thứ duy nhất bộ phim không có, là chả có cái gì đặc biệt cả! Thế mà. Yes! Thế mà, chỉ một phân cảnh chạy nhanh hình ảnh mỗi gia đình chuẩn bị cho con nhà mình hộp cơm mang đi học thôi cũng khiến khán giả xúc động đến rùng mình. Từng câu chuyện mỗi ngày cứ giản dị và thản nhiên diễn ra như thể chẳng cần ai quan tâm, nhưng mỗi phút đều khiến khán giả muốn nấc lên vì cảm xúc. Suy nghĩ đơn giản, như khi một ông bố xin lỗi cô con gái 18 tuổi của mình vì bố đã sai rồi, bố chẳng phải sinh ra đã làm bố, nên hoá ra đã sai rồi. Sự chân thành khi cả 5 gia đình tụ họp làm bữa tiệc chúc mừng cho cậu bé Taek đoạt giải kì thủ cờ vây quốc gia, khi ông bố nhà giàu hỏi vợ là sao chúc mừng con người ta lại mở tiệc ở nhà mình và bà vợ trả lời, chứ một ông bố goá vợ thì phải mở tiệc làm sao đây. Sự văn minh khi bà mẹ nhà nghèo tối muộn còn lên trên nhà giàu tính mượn tiền cho con gái hôm sau đi thăm quan, rồi lại im lặng ra về khi chứng kiến lòng tốt người ta dành cho mình đã quá nhiều. Để tiếp theo là sự ngọt ngào khi bà mẹ nhà giàu tự đoán ra chuyện, nửa đêm mang theo rổ ngô giản dị tặng cho bà mẹ nhà nghèo kèm một phong bì chứa chút ít tiền với lời nhắn ngắn ngủi mà chứa đựng biết bao cảm thông. Sự thật, khi ông bố nhà nghèo dù tối nào cũng một mình lén đi uống rượu để tránh đối mặt với sự vô dụng của bản thân khi không thể mang đến đời sống tốt hơn cho vợ con hiện vẫn đang chui rúc trong một căn nhà tầng hầm, nhưng lại không thể từ chối bất cứ người bán hàng cao tuổi nào, kết cục tối nào cũng bị vợ mắng vì đã không có tiền còn vác về toàn chổi cùn rế rách. Từng câu chuyện cứ nhẹ nhàng, và thản nhiên, dội bom vào cái xã hội của hiện tại, khi cả gia đình đã không còn thói quen ngồi ăn cơm cùng nhau trước màn hình tivi mỗi tối, hàng xóm láng giềng chẳng còn thi thoảng mang qua mời nhau món quà, trẻ con lớn lên không còn khái niệm bạn cùng xóm, và người ta không còn khóc to như thế tại đám tang của chính mẹ đẻ của mình. Mỗi quả bom nổ xong đều chỉ hiện ra một câu hỏi duy nhất, Giá trị cuộc sống cuối cùng là cái gì?
Nhị bái đạo diễn. Trên thực tế, những quả bom kịch bản nói trên chỉ là một đống bom xịt! Thời nay, người lớn thì thích xem phim bi hài, trẻ con thì say mê thần tượng. Ba cái chuyện tìn làng nghĩa xóm ôn nghèo kể khổ ai quan tâm vậy trời? Nhưng đạo diễn như một thầy phù thuỷ, nhào nặn lại nguyên liệu của những trái bom xịt đó thành từng quả lựu đạn nhỏ, sắc sảo, quả nào nổ cũng giòn tan! Chi tiết đắt giá, lời thoại cực đắt giá, cách kể chuyện mới lại càng đắt giá. Mạch phim có nhịp điệu như những bản nhạc disco năm 80 – nhanh chậm bất thường, không lề chẳng lối, chẳng theo một quy tắc nào, nhưng lại tuyệt đối quyến rũ và khiến người ta lắc lư, nhún nhảy theo nó lúc nào chẳng biết. Chẳng phải phim hài, nên những trò đùa chỉ dí dỏm. Chẳng phải phim bi, nên tuyệt đối không có những trường đoạn bi kịch cầu mưa nước mắt. Nhưng một góc máy đắt giá là đủ lạnh người, một câu thoại ăn tiền là dựng tóc gáy, một cảnh cận mặt chậm rãi trong 3 giây mà đập vỡ luôn con đê nước mắt của khán giả. Hay cực kì thú vị như khúc dùng hình ảnh tĩnh để kể lại câu chuyện tuổi thơ của 5 đứa trẻ – mỗi khung hình đều đắt giá đáng đáng sợ, và chỉ bằng những bức hình tĩnh cũng đã đủ để khiến khán giả rùng mình trước diễn xuất của 5 đứa trẻ con. Mỗi tập dài lê thê, những 1 tiếng rưỡi, mà khán giả xem xong hụt hẫng như vừa mất đồ. Từng quả lựu đạn cứ bình tĩnh thay phiên nhau nổ. Từng phát nổ cũng cứ bình tĩnh gây thương tổn trong lòng khán giả. Đến một lúc thấy mình trống trải, mệt mỏi, thấy mình lạnh người hoang mang nhận ra, hình như mình đã đánh mất một cái gì đó rất quý giá từ một lúc nào đó rất lâu trong quá khứ rồi, có phải không? Liệu có tìm lại được không?
Tam bái diễn viên. Lại nói về cái cảnh cận mặt hậm rãi trong 3 giây mà tháo ống nước mắt khán giả. Cảnh đó cận mặt nam diễn viên gạo cội Sung Dong-il. Siêu mĩ nam của thập kỉ 80 giờ đã già rồi. Mắt trũng xuống, mí dưới có hai cái bọng rất to, trên má là những nếp nhăn quá dầy. Vậy mà trong 3 giây đó, anh điều khiển cái đống da thừa đó – cái thứ món quà không ai thèm của thời gian – thành một thứ cảm xúc thật sự không thể miêu tả, cũng vô phương diễn đạt. Biểu cảm của anh, gần như là những nỗ lực cuối cùng đầy vô vọng giữ cho bờ đê nước mắt của mình không vỡ. Nhưng vô vọng. Gần một phút sau, con đê đó cuối cùng mới vỡ, nhưng khán giả thì mắt đã đẫm lệ vì 3 giây trước đó của anh. Vậy nhưng, Sung Dong-il vẫn chưa phải ngôi sao của bộ phim. Đám trẻ con mới thực là xuất sắc. Ba bà mẹ cũng hết sức tuyệt vời. Mỗi diễn viên đều hoá thân đến độ thượng thừa, chữ thuyết phục không còn đủ để miêu tả. Casting và phân vai cũng vô cùng xuất sắc và thú vị. Dàn diễn viên, những kẻ liều mạng mang trên mình đống lựu đạn kia đi ném khắp bộ phim, mới là những anh hùng thực sự.

Cuối cùng, xin dành một cái lạy cho quay phim, cho thiết kế bối cảnh, cho trang phục và cho âm nhạc. Vẫn là câu chuyện của những góc máy đắt quá đắt, và quá chịu khó đổi nhiều góc máy đắt cho cùng một cảnh. Bối cảnh thì thật sự ngưỡng mộ sự đầu tư của nhà sản xuất. Để xuất sắc xây dựng một không khí hoài cổ trọn vẹn cho bộ phim, nhà sản xuất không tiếc tiền dựng cảnh cực kì công phu cho cả những phân cảnh vô cùng đơn giản, vốn có thể xử lí rẻ tiền hơn nhiều nếu muốn.
Thôi quỳ với lạy nãy giờ cũng lâu rồi. Em biết là em quá lạc hậu vì phim này đã ra được 2 năm. Nhưng chân thành ngưỡng mộ thì chẳng bao giờ là muộn cả.