Review: Dunkirk (2017)

dk-p1-1

(Repost from 2017)

Tôi đi xem Dunkirk chỉ vì Christopher Nolan. Và giờ tôi đang viết những dòng này, cũng chỉ vì Christopher Nolan. Với tôi, Dunkirk có rất nhiều điểm giống với Baby Driver của Edgar Wright cách đây ít lâu. Đầu tiên, chúng không phải là những bộ phim vĩ đại, xứng đáng được ca ngợi ngút trời mây, hay thay đổi dòng chảy của lịch sử điện ảnh thế giới. Thứ hai, chúng rất giống nhau ở việc đều được xây dựng trên nền những câu chuyện không thực sự quá hấp dẫn hay ho gì hết. Thế nhưng, quan trọng hơn cả, chúng là những bộ phim được làm rất đúng, rất chuẩn, và rất tài tình theo cái cách rất riêng của cái thứ được gọi là nghệ thuật điện ảnh – giữa một cái thế giới càng ngày càng có nhiều bộ phim bị làm quá sai, quá kém, đến mức không xứng đáng được gọi là nghệ thuật điện ảnh nữa. Cũng có lẽ vì thế chúng mới nổi bật hơn hẳn, đến như vậy. Và vì thế, điều đầu tiên, điều lớn nhất, và điều cuối cùng đáng để khen về chúng, là người mang nặng đẻ đau ra chúng – mà ở cả hai trường hợp này đều là hai người cha sinh sản vô tính – vì đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản.

Thật ra, có rất nhiều lời khen dành cho rất nhiều khía cạnh khác nhau của bộ phim: âm nhạc của phim, dàn diễn viên thực sự xuất sắc, quay phim, màu sắc, editing, vân vân. Tôi thì lại nghĩ khác. Nếu là một nhà làm phim có tâm và có tầm, thì việc làm ra một bộ phim với phần nhạc nền cực hợp lí, với việc sử dụng ánh sáng và máy quay xuất sắc, và lựa chọn những diễn viên phù hợp và khả dĩ lột tả nhân vật là những chuyện rất đương nhiên – không thì làm phim làm cái đéo gì nữa. Thế nhưng có lẽ vì sự bùng nổ dân số của thế giới, dẫn đến việc đám đông ngày càng trở nên đông đúc, và vì thế, cũng ngày càng trở nên dễ tính, dẫn đến việc số lượng từ một lúc nào đó đã đập chết chất lượng, và vì thế, giờ đây, cái không đúng cũng được chấp nhận, và cái vừa chỉ đủ đúng thì được tung hô như thể nó tuyệt vời lắm.

Thực sự, tôi không tìm thấy nhiều thủ pháp mới mẻ hay những sáng tạo quá đặc sắc của Christopher trong Dunkirk. Nhưng tôi lại tìm thấy rất nhiều đặc trưng tính cách rất cá nhân của ông, và tôi nghĩ đó mới là điều làm cho Dunkirk trở nên đặc biệt.

Christopher kể lại rằng, ý tưởng về bộ phim Dunkirk này ông đã có từ 25 năm trước, thậm chí cả cái kịch bản ông cũng đã hoàn thành từ rất lâu. Nhưng tự ông lựa chọn giữ nó lại đến tận bây giờ, đồng thời đi làm rất nhiều những bộ phim khác trong suốt những năm qua để “thu thập kinh nghiệm” cho Dunkirk. Một sự khiêm tốn và ý thức tự vấn quá hiếm hoi trong cái thế giới vĩ cuồng hiện nay! Và tôi nghĩ, chính cái tính cách đó là điều kiện tiên quyết để làm nên một Dunkirk rất đúng và rất đủ, một cách trọn vẹn, đến mức gần như là hoàn hảo – thực sự rất khó tìm được một khúc phim nào yếu ớt hay có bất cứ lỗi gì, bộ phim được làm đều tay và đều sức đến mức… khó chịu!

25 năm, để không còn bóng dáng của một chút vụng về thử nghiệm nào, như sự tham lam từng thấy trong series The Dark Knight, hay lỗ hổng kịch bản của Interstella, hay một chút tiếc nuối về hình ảnh của Inception ngày nào. Christopher làm Dunkirk nhuần nhuyễn như một người thợ làm bánh bậc thầy mỗi sáng thức dậy trong suốt cuộc đời đều phải nhào bột nướng bánh tới mức giờ ông có thể tạo ra bất cứ sản phẩm tuyệt hảo nào mà không cần phải dùng đến thìa đo, cân hay nhiệt kế nữa. Sự hoàn hảo quá mức lộ liễu của Dunkirk đã tố cáo sự chăm chỉ đáng ngưỡng mộ của Christopher.

Chính vì Dunkirk mang dấu ấn của Christopher quá rõ, nên tôi mới cảm thấy những lời khen dành cho bộ phim này là thừa. Điều khiến tôi cảm thấy phấn khích hơn cả, là khi tôi thừa nhận, Dunkirk thực sự là bộ phim tốt nhất của Christopher từ trước tới giờ, sau tất cả những siêu phẩm của ông từng quyến rũ tôi đến ngơ ngẩn (tôi đặc biệt yêu thích series The Dark Knight của ông). Điều đó có nghĩa là, người thợ bậc thầy đó cuối cùng đã trở thành master của chính mình, và nếu thế thì những sản phẩm sau này của ông sẽ còn xuất sắc đến đâu nữa! Tôi đã có quyền mong chờ thêm những siêu phẩm tầm cỡ Avatar hay Mad Max đến từ Christopher Nolan. Đó, mới là điều đáng để phấn khích nhất.

Còn thì, đứa nào mà ca ngợi đây là bộ war movie hay nhất, đỉnh nhất, chắc là chưa từng xem phim của Oliver Stone, hay sinh ra sau Schindler’s List của Steven Spielberg. Có chăng khen là bộ war movie giải trí nhất, xem xong mà thấy thoải mái như xem rom-com, thì may ra.

Bao giờ mới lại được xem một bộ phim đã đời như Mad Max đây? Hức.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s