
Có hai bộ phim khiến tôi mong chờ nhất 2022, Dr Strange phần 2 và The Gray Man.
Dr Strange, rõ ràng là bởi vì tôi bị cuồng Benedict Cumberbatch (hậu quả của Sherlock, đương nhiên), và nó đã khiến tôi thất vọng đến mức suy sụp thế nào thì bạn có thể tìm hiểu thêm ở đây.
Còn The Gray Man, thì vì rất nhiều lí do: Tôi rất thích Ryan Gosling (có ai lại không chứ!), tôi mê Chris Evans (có ai lại không chứ!), và tôi rất yêu thích phim của cặp anh em nhà Russo – đến giờ tôi vẫn một mực khẳng định rằng series phim của Captain America vẫn là những tập phim đỉnh nhất trong cái vũ trụ điện ảnh MCU. Năm vừa rồi anh em nhà Russo còn đã chinh phục tôi một cách ngoạn mục khi đầu tư và phát hành cho phim Everything Everywhere All At Once nữa chứ. Thêm một việc đáng để tôi yêu thích và ngưỡng mộ họ.
Và vì thế, tôi đã háo hức mong chờ The Gray Man, một bộ phim do chính anh em nhà Russo biên kịch và đạo diễn, với Ryan Gosling và Chris Evans đóng chính. Với ngần đó tài năng và nhan sắc, có cái gì có thể sai được với bộ phim này chứ?!
Và đúng là không có cái gì sai thật! Bộ phim đúng đến mức gần như là hoàn hảo! Nó tuyệt vời đến nỗi, tôi đã xem xong nó từ cách đây 2 hôm, nhưng phải nhịn đến tận hôm nay mới viết review, để cho bản thân có thể bình tĩnh lại được sau khi xem xong nó, với hy vọng ý kiến của mình có thể khách quan nhất có thể.
Có quá nhiều điều tôi muốn nói về bộ phim này, và vì thế, chắc chắn cái review này sẽ tiết lộ CỰC KÌ nhiều nội dung phim. Thế nên, nếu bạn không muốn biết trước nội dung phim thì đừng đọc. Nhưng mà tôi nói thật, nội dung một bộ phim hành động kiểu này thì cũng có cái quái gì bí mật đâu cơ chứ, 10 phim như một, trừ phi có cái twist gì ghê gớm lắm thôi. Mà phim này thì không có cái twist gì cả, nên thật lòng cũng không có bí mật nào cần phải giữ kín đâu. Thế nên kệ đi, cứ đọc đi bạn eiiiiii :”)
Điều đầu tiên mà bạn hoàn toàn có thể mong chờ và sẽ ko thể bị thất vọng về The Gray Man: hãy tưởng tượng, hai bộ phim gần đây nhất của anh em nhà Russo là bộ đôi Infinity War và Endgame, sơ sơ dắt tay nhau mang về có hơn 5 tỉ đô thôi, và vì thế Netflix thẳng tay ném hẳn 200 triệu đô vào tay họ để làm The Gray Man – không những là một trong những cái budget lớn nhất cho một bộ phim trong lịch sử của Netflix, nó còn tương đương với budget của một bộ phim siêu anh hùng cơ đấy. Yes, tôi đang nói về độ hoành tráng của TGM. Nó thực sự hoành tráng đến mức đáng e ngại. Tất cả các bối cảnh chính của TGM đều vô cùng tráng lệ, từ cái nightclub đẹp nhất Bangkok đến ngôi biệt thự đẹp lung linh ở Hongkong đến toà lâu đài cổ đẹp lộng lẫy của thế giới Châu Âu cận đại, TGM dẫn bạn đi du lịch vòng quanh thế giới đến chóng cả mặt, mà ở đâu cũng toàn nơi xịn nhất mới chịu. Và để tương sức với bối cảnh quá đẹp, những cảnh đánh nhau tại những bối cảnh này cũng cực kì hoành tráng và mãn nhãn. Đánh nhau, bắn nhau thì mỗi người một gu, nhưng riêng về góc máy, ánh sáng, màu sắc, kĩ xảo thì tuyệt đối là không có gì để chê luôn. Cảnh hoành tráng nhất thì chắc chắn là vụ bắn giết ầm ĩ giữa thủ đô Prague rồi – như thế nào thì bạn phải xem mới biết được. Nhưng về cảnh quay này thì Ryan Gosling đã có một chia sẻ rất thú vị về nó. Khi được hỏi là cảm giác của anh khi đóng bộ phim này thế nào, anh đã nói rằng, cảm giác của anh chính là cái cảm giác ở đoạn cuối cảnh này, khi anh buộc phải chạy trên nóc một con tàu điện đang chạy, và bay mình sang một cái ô tô đang chạy song song mà cơ hội thành công chỉ có 1%, nghĩa là có đến 99% anh có thể chết. Và Ryan còn đùa rằng, có khi chính họ cũng tin rằng anh hoàn toàn có thể chết thật khi quay cảnh này, nên trong quá trình quay phim họ đã đẩy cảnh này xuống quay cuối cùng luôn. Thề là khi mình xem đoạn này mình còn tưởng đang xem nhầm phim siêu anh hùng á, vô cùng bịa đặt về độ kinh hãi, nhưng lại cực kì hấp dẫn về mặt thị giác và cảm xúc. Nói chung, TGM là một bộ phim mà khi xem bạn sẽ nhìn thấy tiền bay tá lả khắp mọi nơi, một bộ phim được vun đắp bởi tiền, tiền, và rất nhiều tiền. Nhưng từng đồng tiền này đều được đốt một cách rất hiểu biết và khôn ngoan, nên cũng rất là xứng đáng. Riêng chuyện này thì phải cảm ơn Netflix vì đã rất rộng rãi với đúng người!
Trên thực tế, nếu bạn là fan của dòng phim hành động, thì ngay trong khoảng 10 phút đầu tiên bạn sẽ nhận ra ngay là bộ phim này giống hệt John Wick của Keanu Reeves – chẳng qua là một phiên bản John Wick giàu có hơn rất nhiều. Điểm khác biệt nho nhỏ là John Wick thì đi trả thù cho con chó đã bị giết của mình, còn TGM của Ryan thì đi cứu con chó của mình vì may quá nó còn chưa bị giết. Nhưng đến khoảng phút thứ 15 thì bỗng nhiên hai bộ phim tách hẳn nhau ra nhờ sự xuất hiện của một nhân vật: nhân vật Lloyd Hansen của Chris Evans, có thể coi là villain chính của phim, kẻ thù nguy hiểm số 1 của nhân vật chính TGM. Sau khi đã xem trọn vẹn bộ phim thì mình có thể tự tin tuyên bố, Lloyd của Chris Evans là một trong những nhân vật villain đặc sắc nhất mình từng xem. Một điều kì lạ trong phần lớn các bộ phim, mà có rất nhiều trường hợp trở nên vô cùng thừa thãi, là việc người ta luôn cố gắng giải thích về nguồn gốc cái ác của nhân vật villain trong phim. Trong phim này thì nhân vật villain xuất thân là một cậu bé thiên tài nhưng bị bạn học chà đạp nên lớn lên muốn trả thù cả thế giới (like, tại sao chỉ vì vài ba thằng ranh con béo ị đánh đập mày mà mày lại cho rằng việc giết hết 7 tỉ người đi là việc nên làm?). Trong phim khác thì vì bố mẹ bị giết, lớn lên trong trại trẻ mồ côi và bị méo mó về mặt nhận thức, hay tỉ phú tham lam muốn làm bá chủ, vân vân và vân vân. Nói chung, người ta luôn cố gắng giải thích xuất thân của cái ác trong phim, nhưng rõ ràng là chẳng có lí do nào đủ thuyết phục về việc tại sao một con người lại có thể trở nên ác độc đến thế, và vì thế phần lớn các nhân vật villain trong các bộ phim đều trông khá ngu xuẩn, và vì thế đều tạo ra trong lòng khán giả cái cảm giác là hắn xứng đáng nhận cái chết ở cuối phim. Rất có thể, đó chính là ý đồ của nhà làm phim: để hắn xứng đáng nhận cái chết. Tuy nhiên, cũng chính vì thế nhân vật Lloyd của anh em nhà Russo mới thú vị hơn rất nhiều. Ngay từ giây đầu tiên xuất hiện, Lloyd đã ác độc một cách man rợ, và xuyên suốt bộ phim, hoàn toàn không có lời giải thích nào cho sự ác độc của hắn. Hắn ác độc, vì chỉ đơn giản, đó chính là hắn, một cách không cần biện hộ, chẳng cần giải thích. Khi được hỏi điều anh thích nhất về nhân vật Lloyd là gì, Chris Evans đã trả lời ở tất cả các buổi phỏng vấn là, “He’s unapologetically himself!” – “Hắn chỉ đơn giản là chính hắn một cách không cần phải biện hộ!” (từ unapologetic trong tiếng Anh rất hay, mà dịch ra tiếng Việt nghe yếu hẳn đi… haizz). Thế nên, nếu như cái thế giới loài người với tất cả những chuẩn mực đạo đức và sự thiện lương là một màu trắng hoàn hảo, thì hắn chính là một màu đen hoàn hảo. Những việc ác độc xảy ra trong thế giới màu trắng chính là những vết màu đen, uế tạp, nhơ nhuốc, vấy bẩn cái thế giới sạch sẽ đó, thì ngược lại sẽ lại là sự đồng điệu, sự đương nhiên trong cái thế giới đen xì của hắn. Và chính vì thế, bạn sẽ chưa bao giờ nhìn thấy một kẻ ác độc mà lại cười nhiều đến thế, có thái độ vui vẻ đến thế, như thể hắn mới là nhân vật chính của câu chuyện vậy. Sao lại không? Hắn vui, hắn cười, hắn thậm chí còn ăn mặc bảnh choẹ như một nhân vật chính, bởi vì hắn chính là nhân vật chính, hắn chính là anh hùng trong thế giới của hắn, trong câu chuyện của riêng hắn. Và kì lạ thay, cái thái độ tự tin “là chính bản thân mình một cách không cần biện hộ” của hắn dần dần lại toả ra một thứ hào quang vô cùng thu hút thường chỉ tồn tại ở nhân vật anh hùng phe chính nghĩa. Và vì thế, Lloyd trở thành một nhân vật villain vô cùng đặc sắc!
Lần cuối cùng mình chứng kiến cái hào quang giống hệt như thế ở một nhân vật villain cũng đã gần 10 năm trước, trong nhân vật Khan của Benedict Cumberbatch trong bộ phim Star Trek Into Darkness năm 2013. Đó cũng là lần đầu tiên mình gặp Benedict, lần đầu tiên mình phải chú ý tìm hiểu về anh, và bắt đầu trở thành fan cuồng của anh. Thế nhưng Benedict dù sao cũng là một tượng đài diễn xuất, một thiên tài cảm xúc, nên việc anh có thể toả hào quang trong một vai villain cũng là điều không quá khó hiểu. Điều khiến mình thực sự bất ngờ chính là một anh chàng goody-two-shoes/American jock đặc trưng như Chris Evans lại có thể lột tả một nhân vật “tưởng không khó mà khó không tưởng” như Lloyd Hansen xuất sắc đến thế. Chính mình, dù là một fan cuồng (đương nhiên là vì nhan sắc), cũng vẫn luôn tin rằng vai diễn Captain America chính là đỉnh cao của Chris rồi, anh sẽ không bao giờ có thể tìm được vai phù hợp với (năng lực, và nhan sắc) bản thân hơn thế, và còn sẵn sàng cười cợt vào bất cứ nỗ lực thay đổi hình ảnh nào khác của anh (như vai villain trong Knives Out chẳng hạn – và yes, từ sau Captain America, Chris Evans chỉ toàn đi đóng villain thôi nhé, hoàn toàn không hề lo sợ mất hình tượng mất bao năm xây dựng nhé, cũng là một chuyện rất đáng khen ngợi). Thế nhưng lần này mình đã thực sự phải ngả mũ thán phục anh, và công nhận rằng Chris thực sự có năng lực diễn xuất vượt trên cái nhan sắc vốn đã không có gì có thể vượt nổi của anh. Giật mình khi nhận ra, mình cảm thấy một nỗi đau nhè nhẹ khi Lloyd bị bắn đứt mất mấy ngón tay ở cuối phim, thứ cảm giác bình thường mình chỉ dành cho nhân vật chính. Thì ra, không biết từ lúc nào, mình đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi cái vẻ kiêu hùng đầy ngạo mạn nhưng vô cùng hấp dẫn về mặt cảm xúc của hắn. Đến mức, mình cảm thấy hụt hẫng khi hắn chết ở cuối phim (villain thì đương nhiên phải chết, khỏi thắc mắc!). Đến mức, sau khi xem xong phim, mình vẫn bị day dứt suy nghĩ về hắn. Nghĩ ra những cái gì thì để phần sau nói tiếp nhé, hihi.
Viết ba trang giấy cũng chỉ để khen nam thứ chính, như vậy có phải quá bất công với nam chính không? Cũng chưa chắc, bởi vì có lẽ nam chính chính là lí do lớn nhất khiến bộ phim này đang bị chê, bị chửi thê thảm trên mọi mặt trận. Lloyd của Chris Evans thú vị bao nhiêu, đa diện, sặc sỡ bao nhiêu, thì Six của Ryan Gosling lại nhạt nhoà, kém hấp dẫn bấy nhiêu. Bao nhiêu búa rìu dư luận dành cho bộ phim, Ryan cũng phải gánh đến 80%. Nhưng anh có xứng đáng bị như thế không? Mình thì ĐƯƠNG NHIÊN nghĩ là không. Và mình thực sự thắc mắc, nhiều khi mọi người xem fim, mà mọi người có thực sự xem fim không vậy? Bao nhiêu điều hay cái đẹp của người ta thì đéo thấy nhắc tới, toàn bới móc vài cái vớ vẩn ra để chửi người ta chẳng ra gì. Mình thì luôn sống với quan niệm, “if you don’t have anything nice to say, then don’t say anything”, xong lại cảm thấy thế giới này bây giờ quả là thích bới bèo ra bọ, thứ duy nhất người ta nói lại là những thứ không hề nice một chút nào. Thực sự mệt mỏi.
Quay lại một chút với cái tên phim, cũng là tên tổ chức của nhân vật chính, The Gray Man. Một cái tên rất thú vị. Bản chất nhân vật của Ryan Gosling là một người sống trên lằn ranh của cái thiện và ác, của ánh sáng và bóng tối, của đen và trắng, và vì thế anh và đồng đội mới được gọi là The Gray Man (sau đó mỗi người sẽ được gọi tên theo số thứ tự của mình, và Ryan là Six – anh Sáu). Và vì rõ ràng anh không phải là một người màu xám nên không thể gọi anh là Người Đàn Ông Màu Xám được, mà phải hiểu The Gray Man là Người Đàn Ông Trong Khoảng Xám, hay theo như văn học kiếm hiệp Trung Hoa thì anh chắc chắn sẽ thuộc tập đoàn Vô Ảnh Nhân. Thế nên, anh vốn là một nhân vật càng mờ nhạt càng tốt, càng im lìm càng tốt, càng có cảm giác không thực sự tồn tại càng tốt. Một nhân vật như vậy trên giấy sẽ vô cùng thú vị, nhưng để thể hiện lên phim ảnh thì lại vô cùng khó khăn để có thể tạo ra sức hút nhân vật chính. Chắc chắn đó cũng chính là lí do Ryan Gosling được lựa chọn cho vai diễn này, bởi anh chính là diễn viên chuyên nghiệp nhất Hollywood trong ngành đóng những vai người đàn ông kiệm lời. Và vì thế, nếu nhìn nhận nhân vật theo khía cạnh này, thì mình nghĩ rằng Ryan Gosling một lần nữa đã làm rất tốt.
Six là ai? Six là một chàng trai đã ngồi tù nhiều năm sau khi bắn chết chính cha đẻ của mình. Rồi anh được một người đàn ông đến gặp và đưa cho anh hai lựa chọn: một là chết trong tù với tội danh của mình, hai là trở thành một Gray Man – một điệp viên kiêm sát thủ vô hình làm việc trong bóng tối cho CIA, có thể chết bất cứ lúc nào và dù chết hay sống thì cũng được coi là không tồn tại trong cõi đời này. Ryan Gosling đã có miêu tả rất hay về nhân vật này trong một cuộc phỏng vấn. Anh nói, đại ý rằng, trong một cảnh phim, bạn có thể thấy anh ta mặc một bộ đồ suit, đi lại trong một nhà hàng, và giả vờ ăn hay uống một cái gì đó. Và bạn biết rất rõ rằng, anh chỉ đang giả vờ thôi, bởi vì đó chỉ là một phần công việc của anh, vì chỉ chưa đầy một phút sau một cuộc nổ súng sẽ xảy ra và anh sẽ lại giết chết một ai đó. Nhưng chính một vài phút ngắn ngủi mà anh được mặc một bộ đồ bình thường đó, đi lại giữa đám đông ngoài ánh sáng đó và giả vờ đang ăn một cái gì đó như thế, là những giây phút ngắn ngủi duy nhất anh thực sự được sống và cảm nhận cuộc sống như một người bình thường, trước khi anh lại trở về trong bóng tối và tiếp tục cái kiếp sống vô hình của mình. Và với Ryan, đó chính là điều khiến anh đặc biệt yêu thích nhân vật này. Chính là cái ẩn ức về khao khát được sống của một người đàn ông hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng lại luôn có cái chết treo sẵn trên đầu.
Nghe đáng buồn quá nhỉ. Cũng chính vì thế mà, anh không hề cần đến cảm xúc, hay khả năng giao tiếp bình thường, hay nụ cười, hay tình cảm. Trong suốt cả một cuộc đuổi bắt chém giết bắn súng chí choé đùng đoàng tung cả đít, ta chưa từng thấy Sáu nhíu mày lấy một lần. Thoát khỏi cuộc đuổi bắt, ta không hề thấy anh thở phào. Anh còn vô cảm hơn một bức tượng. Thế nhưng, ta vẫn cảm nhận được nỗi buồn của anh, hay nỗi đau của anh, thoảng qua rất nhẹ trong một ánh mắt, hay một lời nói chua chát rất ngắn ngủi. Hollywood hiện nay chắc chắn chưa có ai đóng được những vai bức tượng biết đau này hay hơn Ryan Gosling. Thế nên, đừng có chê anh nữa! Hãy biết trân trọng sự lạnh lùng không ai diễn nổi này đi!
Tuy rằng có rất nhiều nhân vật chạy quanh ở cả hai phe, nhưng cuộc đối đầu thực sự trong bộ phim này là giữa Six và Lloyd Hanson, có thể coi là hai nam chính của phim, cũng là sự đối lập cùng cực giữa hai con người hoàn toàn trái ngược, sự đối lập giữa đen và trắng. Six của Ryan Gosling là sự tối giản đến cực điểm, đối lập với một Lloyd Hanson lố lăng đến cực điểm. Và cả hai nhân vật này đã được xây dựng cầu kì và chi tiết đến mức đáng nể. Đừng tưởng chỉ có sự lố lăng, sặc sỡ và đa diện của Lloyd mới cần đến sự cầu kì, để khắc hoạ được rõ nét nhất có thể sự tối giản đến mức nhạt nhoà của Six cũng đến đến một sự cầu kì không hề thua kém. Đó chính là điểm đáng khâm phục nhất đối với hai vị đạo diễn này, họ không chỉ biết rất rõ họ đang làm gì, họ còn tuyệt đối trân trọng việc họ đang làm. Sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ của anh em nhà Russo khiến cho phim của họ luôn rất đặc biệt.
Mâu thuẫn chính của bộ phim bắt đầu khi Six được giao nhiệm vụ đi giết một người và tịch thu lại một chiếc USB có chứa những thông tin có tính đe doạ tới an toàn quốc gia mà người này đang giữ. Six sau đó bất ngờ phát hiện, kẻ mà anh được giao nhiệm vụ giết chết lại là một đồng đội Gray Man bí ẩn của anh, biệt danh Four – anh Tư, và chiếc USB kia chứa đựng những thông tin có thể hạ bệ chính kẻ đã giao nhiệm vụ cho anh. Người đồng đội trước khi chết bèn giao chiếc USB cho Sáu và kêu anh hãy giúp hắn hạ bệ kẻ kia. Vậy là Sáu biến mất cùng chiếc USB, trong khi toàn bộ CIA bắt tay vào truy lùng anh.
Cộng đồng mạng than trời như cha đau mẹ ốm. Nội dung có thể cũ kĩ hơn không? Thời buổi nào rồi mà còn lấy một chiếc USB ra làm nhân vật chính? USB, for real? Đây là phim năm 2000 sao? Đây chẳng phải mô-tuýp cũ rích của 1001 bộ phim điệp viên khác sao? Nào là series Mission Impossible, nào là series Bourne?
Cộng đồng mạng thân mến, nếu có thể, hãy bình tĩnh xem tiếp phim.
Theo đúng phong cách một người đàn ông trong khoảng xám, Sáu gửi cái USB vĩ đại kia đi giấu ở một nơi an toàn rồi biến mất, tất nhiên là với sự giúp đỡ của chính người đàn ông đã lôi anh ra khỏi tù từ đầu phim, sếp cũ của anh, và cũng là người mà anh từng nói sau đó trong phim là người cha thứ hai của mình. Toàn bộ CIA, đương nhiên, không thể bắt nổi Sáu (vẫn vô cùng phim năm 2000). Và thế là Lloyd Hanson xuất hiện. Tới đoạn này là bắt đầu hết 2000 rồi nè. Việc đầu tiên hắn làm? Bắt lấy đứa cháu gái của sếp cũ của Sáu, dùng đứa bé làm áp lực để ông phải ra lệnh giết Sáu. Khi sự việc này thất bại, và ông sếp cũ nghĩ rằng mình có thể chết, ông đã nói với Sáu là bằng mọi giá hãy bảo vệ cho đứa cháu gái của ông. Anh nhận lời. Và từ lúc này, Sáu bắt đầu cuộc hành trình đi giải cứu cô cháu gái đáng thương của ông sếp.
Đến đoạn này, phim vẫn hoàn toàn logic với một kịch bản vô cùng đơn giản và dễ hiểu, phải không nào? Chưa có gì đặc biệt xảy ra cả. Tuy nhiên, nếu các bạn còn nhớ, mình đã khẳng định ở trên rằng bộ phim này là sự đối đầu kịch liệt giữa hai thái cực hoàn toàn đối lập, trong đó, Lloyd là thái cực màu đen. Thế nhưng, Six lại nhận một uỷ thác của chính ông sếp cũ của tổ chức The Gray Men, với một nhiệm vụ hoàn toàn mang màu sắc xám xịt của một The Gray Man. Vậy thì anh đâu thể nào trở thành thái cực màu trắng để đối lập với sắc thái đen xì của Lloyd?
Đúng lúc này thì bộ phim phanh gấp. Những ồn ào và khói lửa hành động chợt dừng phắt lại, và bộ phim chuyển sang một màu sắc vô cùng dịu dàng với dòng chữ “2 năm trước”. Trường đoạn tiếp theo, khá dài và rất chậm rãi, thì ra kể về cuộc gặp gỡ hoàn toàn tình cờ giữa Six và cô cháu gái bí ẩn kia, khi anh được cử đến trông coi cô trong lúc ông sếp đi vắng. Vài ngày liền cứ thế từ tốn hiện lên màn hình, với những cuộc đối thoại hoàn toàn vô nghĩa giữa một sát thủ vô cảm và một cô bé con già trước tuổi vì bệnh tật. Ở cuối trường đoạn này, Six đã hạ gục một gã sát thủ được cử đến ám sát cô bé. Và lúc đó anh đã mỉm cười, một nụ cười rất khẽ.
Tôi đã không thể hiểu nổi tại sao lúc đó anh lại mỉm cười, cho đến khi bộ phim tiếp tục và mãi sau này khi Six kể lại cuộc đời mình. Thì ra anh có một ông bố bị chứng nam tính phóng đại. Ông quan niệm rằng vũ lực chính là biểu hiện tối cao của nam tính, và vì thế ông đã rèn luyện hai anh em Six một cách vô cùng nhẫn tâm bằng những biện pháp vũ lực vô nhân đạo. Cho đến một ngày, Six đã nói, tôi biết rằng ngày hôm đó, tôi chỉ có thể chọn, hoặc bố tôi chết, hoặc em trai của tôi sẽ chết (vì sự hành hạ của ông). Và vì thế anh đã không ngần ngại cầm súng lên và bắn chết chính bố đẻ của mình để cứu em trai của mình. Và rồi, anh đã trả giá cho hành động mà chính anh cho là rất anh hùng đó bằng cả cuộc đời rục xương trong nhà tù. Cho đến khi có người đến lôi anh ra, biến anh thành người đàn ông màu xám, sống một cuộc sống màu xám, tuân thủ mệnh lệnh mà đi giết những kẻ cũng chẳng biết cuối cùng là trắng hay đen.
Cho đến ngày hôm đó, khi anh tự tay mình hạ gục một kẻ sát nhân để bảo vệ một đứa trẻ khác, trong anh đã sống lại cái cảm giác của ngày xưa. Nhưng cảm giác đó có lẽ còn vĩ đại hơn, bởi lần này anh đã hoàn toàn đủ sức dùng chính sức mạnh và năng lực của mình để bảo vệ đứa trẻ đó mà không cần phải trả giá gì cả. Đó chính là lí do đằng sau nụ cười của anh. Và cũng chính vì thế, đứa trẻ đó trở nên vô cùng quan trọng đối với anh: Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, anh cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa.
Và vì thế, khi Six nhận lời với ông sếp là sẽ cứu đứa cháu gái đáng thương của ông, trên thực tế, anh không hề nhận lời với tư cách của một The Gray Man, và cũng không hề vì tình nghĩa giữa anh và ông sếp bao năm qua. Anh đã nhận lời, vì đó chính là sứ mệnh của anh. Anh nhận lời, bởi vì, có rất nhiều thứ có thể nằm loanh quanh trong cái khoảng xám của cuộc đời, nhưng việc bắt cóc và tra tấn một đứa trẻ chính là giới hạn đạo đức tối cao giữa hai mảng đen-trắng, và vì thế, nó chính là cuộc đối đầu thực sự giữa đen và trắng. Chính giây phút đó, The Gray Man đã lột bỏ cái xác màu xám của mình và hoá thân thành chàng hiệp sĩ áo trắng, sẵn sàng đối đầu với thế lực đen tối, để đảm bảo cứu vãn sự xâm phạm tối cao về đạo đức của những kẻ ác độc này. Cũng chính từ giây phút này, bộ phim hoàn toàn lột bỏ cái lớp vỏ “phim điệp viên” của mình, hoá thân thành bộ phim Mario giải cứu công chúa. Cũng từ giây phút khoác lên mình chiếc áo hiệp sĩ màu trắng, Six hoàn toàn thay đổi: Anh nói nhiều hơn hẳn, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tranh luận, sẵn sàng thể hiện cảm xúc – như một người bình thường. Cú chuyển mình này, again, theo đúng phong cách của hai đạo diễn, được khắc hoạ rất cẩn thận, rõ ràng và chu đáo.
Và các bạn thân mến ạ, kể từ giây phút này trở đi, cũng chẳng còn ai nhắc đến cái USB khốn khổ kia nữa rồi, nên xin đừng tiếp tục nghĩ rằng đây là một bộ phim điệp viên giải cứu chiếc USB năm 2000 nữa. Mình thích cái cách bộ phim không hề cố gắng giả vờ mình là một thứ gì đó to lớn hơn, phức tạp hơn. Khi đã đặt xong vấn đề, bộ phim hoàn toàn thoải mái thể hiện bản năng đơn giản và trực diện của mình một cách tự tin và thẳng thắn.
Nhân vật nữ lớn nhất của phim là vai cô điệp viên CIA Miranda bị oan của Ana de Armas, nữ diễn viên trẻ người Cuba mình rất yêu thích kể từ Blade Runner 2049. Tuy nhiên, vì hai nam chính đã quá lấn át toàn bộ câu chuyện nên vai của cô cũng chỉ dừng ở một nhân vật background mà thôi, không được có thời gian xây dựng câu chuyện gì cả. Tuy nhiên, vai diễn này có hai khoảnh khắc rất quan trọng và có ý nghĩa trong phim mà mình rất thích. Khoảnh khắc thứ nhất là khi cô tiếp sức Six để một lần nữa khẳng định cái thông điệp tối cao của phim. Ban đầu, Miranda tiếp cận và cứu Six chỉ để mang anh về minh oan cho mình và cứu vãn cái sự nghiệp làm điệp viên của mình. Nhưng ngay khi cô nghe thấy anh vô tình để lộ cái chi tiết là có một cô bé gái đã bị bắt cóc vì sự việc này, cô đã hoàn toàn không hề ngần ngại vứt thẳng cái sự nghiệp làm điệp viên CIA của mình, thậm chí sống chết của chính mình qua cửa sổ xe và lao thẳng vào cuộc chiến 1 phần sống 9 phần chết này với anh. Đứng trước cái giới hạn đạo đức tối cao giữa đen và trắng, Miranda đã không nửa lời thắc mắc bỏ qua sự tồn tại của chính mình để khoác lên mình chiếc áo choàng chính nghĩa, một hành động rất đáng yêu mà bộ phim này đã cố tình khắc hoạ. Khoảnh khắc thứ hai của Miranda, là khi Six phải thảng thốt kêu lên rằng tại sao lại luôn là Miranda phải cứu anh tại những giây phút nguy hiểm nhất, chứ không phải ngược lại, tới mức anh gần như muốn ước là cô hãy gặp nguy hiểm để anh được cứu cô. Một câu bông đùa vớ vẩn thôi, nhưng lại là một chi tiết nữ quyền rất nhẹ nhàng mà khéo léo của bộ phim, vừa đủ funny để cười lớn, vừa đủ ý nghĩa để cười mỉm.
Tuy nhiên, Miranda cũng chưa phải là duy nhất. Còn có một nhân vật nữa, một nhân vật khách mời thôi, cũng đóng vai trò hô vang khẩu hiệu của cái thông điệp tối cao của phim. Một nhân vật thuộc phe hắc ám, ngay khi vừa nghe thấy rằng cái công việc mình đang tham gia có liên quan đến việc giết hại một bé gái, đã quay phắt lưng lại bỏ đen theo trắng ngay chỉ vì không thể chấp nhận được cái giới hạn tận cùng của đạo đức đó. Khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều về việc, tại sao bộ phim này phải nhắc đi nhắc cái thông điệp đạo đức này một cách cầu kì như vậy chứ? Tại sao nàng công chúa này lại quan trọng tới vậy, khiến cho nhiều Mario phải hy sinh đến vậy? Thôi cái này chắc để đến cuối bài viết bàn lại đi ha.
Giờ mình quay lại với Chris Evans đẹp trai nhất thế giới nào. Cuối cùng thì trắng và đen cũng gặp nhau, và đối mặt trực diện trong trận đấu tay đôi cuối cùng. Trong mọi bộ phim thì cuộc đối đầu giữa hai trùm cuối luôn căng thẳng đến nghẹt thở, vì nó là cuộc chiến phân định thắng thua giữa hai phe – ủa, nhưng có nghẹt thở thật không, khi đương nhiên phe chính nghĩa luôn chiến thắng? Quả là một sự nghẹt thở giả tạo quá mà. Và cũng chính vì vậy, bộ phim này đã bỏ qua hoàn toàn cái nghẹt thở giả dối đó mà làm hoàn toàn khác: cuộc chiến cuối cùng giữa hai trùm cuối lại xảy ra khi thắng thua giữa hai phe đã được phân định tương đối rõ ràng. Ủa, mà vậy thì còn đánh nhau làm gì nữa, bạn hỏi? Well, đó mới chính là sự thú vị trong việc xây dựng nhân vật của bộ phim.
Trong mắt người xem, Lloyd chính là villain của phim, chỉ cần phe chính nghĩa của chúng ta bắn hắn bòm một phát, hắn hoá thành tro bụi, và thế là mặt trời lại toả sáng, thế giới lại hoà bình, và thế là xong. Nhưng trong mắt Lloyd, hắn hoàn toàn không phải là thế lực hắc ám, hắn chỉ đơn giản là một ông vua thua cuộc trước một ông vua khác. Và vì thế, đối với hắn, cách duy nhất để hắn chấp nhận thua cuộc là phải chết dưới tay kẻ thù mạnh nhất của mình một cách sòng phẳng, đó mới chính là cái chết huy hoàng phù hợp với một ông vua như hắn. Đó chính là lí do tại bước đường cùng của mình, hắn lại đòi hỏi một cuộc đấu tay đôi với Six. Và thú vị thay, Six hoàn toàn thấu hiểu điều đó, nên anh đã yêu cầu đồng bọn của mình ngừng chĩa súng vào hắn, và chấp nhận lời thách đấu. Bộ phim còn cầu kì hơn khi tiếp tục cố tình xây dựng mâu thuẫn nội tâm của Six trong chính cuộc chiến đấu tương đối vô nghĩa đối với khán giả này. Chính vì Six thấu hiểu, và thậm chí, nảy sinh tôn trọng đối với sự kiêu hùng của Lloyd, mà anh không thể xuống tay giết hắn ngay lập tức dù anh đang là người thắng thế. Và thế là, một lần nữa, anh phải lôi lại trong đầu mình ra những kí ức về người cha ác độc của mình, để nhắc mình nhớ rằng Lloyd chính là một hiện thân của ông, và để anh có quyết tâm xuống tay với Lloyd.
Thế nhưng, vâng, sắp hết phim rồi mà vẫn nhưng với chả nhị. Cái nhu cầu được chết một cách vinh quang trong tay kẻ thù mạnh nhất của mình của Lloyd cuối cùng lại trở thành sự sỉ nhục lớn lao nhất đối với hắn, bởi vì người giết hắn lại không phải là Six, mà là kẻ hắn luôn coi thường và khinh bỉ nhất trong cuộc đời mình. Lloyd chết mà không thể nhắm mắt vì cái sự thực đau lòng này, một cái kết hoàn mĩ cho kẻ thủ ác.
Thật mắc cười là mấy phút cuối cùng của một bộ phim vốn vô cùng đơn giản và dễ hiểu lại trở nên vô cùng rắm rối như thế này. Nhưng tất cả những điều này mới chính là những thứ khiến mình yêu mến bộ phim này, cái cách mà mình yêu mến tất cả những bộ phim khác của Russo Brothers. Luôn có những chi tiết rất nhỏ nhắn, rất ý nhị về nhân vật để họ trở nên sâu sắc hơn, đáng nhớ hơn rất nhiều cái phông nền nông cạn của cả bộ phim. Đó cũng là lí do mà mình luôn đánh giá series phim về Captain America cao hơn tất cả những phim khác của MCU, vì nó luôn ẩn giấu những chi tiết drama sâu sắc hơn một bộ phim kiểu “công viên giải trí” rất nhiều.
Rất nhiều các comment trên mạng có phàn nàn về tiết tấu của bộ phim này, cho rằng tiết tấu của phim thật lộn xộn. Tuy nhiên mình lại có suy nghĩ khác. Hãy thử tưởng tượng. Bạn chỉ quen đi xe máy ở thành phố, còn đi bộ rất kém và thậm chí còn chẳng thích đi xe đạp. Thế rồi bạn được mời đi một chuyến du lịch khám phá ở một vùng núi nọ, mà sẽ bao gồm cả những đoạn đường đi ô tô, rồi phải xuống đi bộ, có đoạn kia phải leo trèo một chút. Trời ơi, làm sao mà bạn có thể thoải mái thưởng thức chuyến đi đó đây, khi tất cả chú ý của bạn đã phải dành cho đôi chân đang đau nhức đến phồng rộp lên, hay ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu trên đỉnh đầu khiến bạn mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Thế nhưng, nếu như bạn là người thoải mái với việc đi bộ, thậm chí có thể leo trèo một chút, thì bạn sẽ đủ sức để ngắm nghía tất cả những khung cảnh đẹp đẽ xung quanh, những hoa thơm cỏ lạ trong suốt cuộc hành trình. Chỉ đơn giản vì bạn đủ sức để làm điều đó. Thế nên, tiết tấu, nhịp độ của một bộ phim chỉ sai, khi đáng ra nó là một hành trình phải đi bằng ô tô thì nó lại đi xe đạp, hoặc ngược lại thôi. Còn có nhiều khi, tiết tấu của bộ phim không sai, bạn cũng không sai, chỉ là chuyến đi đó không dành cho bạn, hoặc chưa dành cho bạn, vì sẽ cần bạn luyện tập sức khoẻ nhiều hơn một chút.
Còn nếu bạn đã sẵn sàng, hãy lên Netflix và bật The Gray Man lên đi. Mình tin là bạn sẽ có một chuyến đi chơi đủ sắc màu và sự vui vẻ.