Review Tinh Hán Xán Lạn pt.1: Kịch Bản

Cố gắng thức đêm thức hôm xem xong phim thật nhanh để còn quay lại làm việc, mà giờ xem xong rồi vẫn đang bơi lội chìm nghỉm trong mood của phim, thật là quá chán nản đi mà. Ngồi từ tối đến giờ suốt mấy tiếng đồng hồ cố gắng nghĩ việc, mà nghĩ đi nghĩ lại trong đầu vẫn chỉ có phim và phim và phim nên thôi đành ngồi nôn bớt ra vài trang giấy, hy vọng cho đầu vơi bớt đi vậy, dù cũng không biết là với cái mức độ lùng bùng trong đầu hiện nay thì phải viết ra bao nhiêu mới vơi bớt đi được.

Trong trí nhớ có phần không được dài hạn lắm của mình, thì Tinh Hán Xán Lạn chắc chắn là bộ phim chỉn chu và trọn vẹn nhất mình từng xem của màn ảnh Hoa ngữ. Nhắc lại cho bạn nào không nhớ, mình là Xử Nữ, nên với mình không tồn tại những khái niệm mơ hồ như “hay nhất”, “tốt nhất”. Nhưng mình lại đặc biệt yêu thích những khái niệm có tính định lượng (hay nói đúng hơn là có tính soi moi chi tiết) như “chỉn chu” hay “trọn vẹn”, có điều, có thể đạt được đến level này trong lòng mình có thể tạm hình dung là “nhiệm vụ bất khả thi” đi cho nhanh. Đặc biệt là với phong cách làm phim truyền hình vô cùng công nghiệp của các bạn TQ (hay cách làm phim đầu voi đuôi chuột chủ yếu phục vụ việc bán quảng cáo như các bạn HQ) hiện nay thì mình càng tin là sẽ chẳng thể có bộ phim nào sẽ đạt đến level này cả. Cách đây chưa lâu, mình đã vô cùng phấn khích với 10 tập đầu tiên của Thả Thí Thiên Hạ, nhưng sau đó phim cứ yếu dần đi, và sau khoảng tập 30 trở ra thì phim không còn đáng để được nhắc tới. Thế nên mình bước vào xem Tinh Hán Xán Lạn với gần như là không chút kì vọng nào cả. Một Triệu Lộ Tư thường thường bậc trung, ngoài việc vô cùng đáng yêu ra thì cũng chẳng có gì xuất sắc, lại còn thêm một Ngô Lỗi mặt non choẹt và dáng người cứng đơ. Thậm chí, nói cho đúng thì, mình bắt đầu bật phim lên xem với một tâm thế rất sẵn sàng để thất vọng. Vậy nhưng trải nghiệm suốt 5 ngày xem phim miệt mài vừa rồi của mình là một cảm giác vô cùng tràn đầy: bộ phim mở ra với rất nhiều những niềm vui nho nhỏ liên tục xuất hiện, và rồi chúng gom góp lại với nhau, dâng lên ngày một đầy đặn trong lòng mình, cho đến khi trong mình ngập tràn những niềm vui và sự yêu thích.

Chú ý: phần tiếp theo mình sẽ bắt đầu nhận xét về bộ phim, và trong phần nhận xét của mình chắc chắn không thể tránh khỏi việc sẽ tiết lộ trước nội dung phim. Bản thân mình luôn rất muốn viết những bài review không tiết lộ nội dung, nhưng vì đây là một bộ phim có nội dung khá nhiều lớp lang phức tạp và thú vị, nên khi nhận xét về nó thật khó để không tiết lộ một chút nào. Thế nên nếu bạn chưa xem phim, có thể đừng đọc vội để tránh việc không còn bất ngờ đến thế trước những bất ngờ vô cùng thú vị của phim.

Điều đầu tiên mình muốn nói về bộ phim này, có lẽ là việc tranh luận về thể loại của phim. Về cơ bản thì bộ phim được quảng bá là một bộ phim truyền hình ngôn tình thần tượng cổ trang. Về khía cạnh marketing, mình hiểu tại sao bộ phim lại tự định vị sản phẩm của mình như vậy. Tuy nhiên, đối với một khán giả trung niên như mình, mình cảm thấy bộ phim thực ra vô cùng không giống với cách định vị sản phẩm như vậy, và thực tế là nó to lớn hơn cái danh nghĩa đó rất nhiều, ngoài khía cạnh cổ trang rõ ràng đến mức không có gì để tranh cãi.

Thứ nhất, mình không hề thấy bộ phim này không hề ngôn tình một chút nào. Đây chắc chắn cũng là một trong những bất ngờ thú vị nhất của bộ phim đối với cá nhân mình. Đầu tiên, bộ phim dành cực kì nhiều thời gian để xây dựng bối cảnh cho tất cả các nhân vật của mình, từ chính đến phụ, đến nỗi nam nữ chính đến tận tập 10, tức là đã qua gần 1/5 thời lượng phim, vẫn chưa gặp nhau được mấy lần, thậm chí còn chả biết mặt nhau. Sau đó, đúng là kể từ khi họ gặp nhau rồi thì bộ phim bắt đầu ngập ngụa trong những câu chuyện ngôn tình sủng ngọt đến mức đôi khi mắc ói giữa cặp nam nữ chính, và lúc này thì bộ phim đã bắt đầu mang dáng dấp rất rõ ràng của một câu chuyện ngôn tình, cho đến khi. Yes, plot twist! (ĐỪNG ĐỌC TIẾP NẾU BẠN CHƯA XEM PHIM!) Cho đến khi người xem, y hệt như nữ chính trong phim, ngã ngửa cả ra khi biết được, tất cả những hành động ngôn tình sủng ngọt đến sún cả răng đó của nam chính hoá ra chỉ là cái vỏ bọc cho những âm mưu cực kì sâu sắc của anh, và tuy rằng những âm mưu đó không hề nhằm vào nữ chính, và trong đó cũng chứa đựng rất nhiều tình cảm dành cho cô, nhưng ở một khía cạnh khác, một cách rất rõ ràng, cô chỉ là một lá chắn cho tất cả những âm mưu (khá là nham hiểm) đó. Đến lúc này thì toàn bộ câu chuyện ngôn tình của phim đã sụp đổ tan tành hết cả. Thế nên, thực sự, ngôn tình thực tế chỉ là một cái vỏ bọc đường cho một câu chuyện thú vị và sâu sắc hơn thế rất là nhiều. Và vì thế, nếu gọi bộ phim này là phim ngôn tình thì quá là khiên cưỡng rồi.

Thứ hai là mình chẳng thấy bộ phim này giống phim thần tượng chút nào cả. Đúng là nam nữ chính là một cặp trai tài gái sắc trẻ trung xinh đẹp đúng chuẩn thần tượng giới trẻ. Thế nhưng nhân vật của họ thì sao? Nữ chính thì bất hạnh từ khi lọt lòng, bất hạnh đến nỗi, từ đầu đến cuối phim cô lựa chọn đối mặt với cuộc đời một cách hoàn toàn đơn độc, đơn độc đến mức nhiều lúc cảm thấy xót xa. Để hình dung một cách đơn giản nhất thì cô chính là một con nhím, và cô làm con nhím đó từ giây phút đầu tiên cho đến tận cuối cùng của phim, luôn lựa chọn không tin tưởng bất cứ ai ngoài chính bản thân mình, và cô sống với một tâm thế luôn sẵn sàng để mất tất cả, kể cả những thứ, những người thân thương nhất, một cách đáng thương xót. Nam chính cũng không hề kém cạnh, kể từ một trải nghiệm bất hạnh quá đỗi kinh hoàng trong quá khứ, anh đóng cửa bản thân hoàn toàn, thậm chí chồng lên ngoài cánh cửa đó thêm vài tầng cửa sắt dầy, đến mức anh không còn năng lực tiếp nhận hay cho đi yêu thương, chỉ biết lấy việc giết người đến đầu rơi máu chảy làm thú vui. Đến mức, ngay cả khi yêu một người con gái đến cuồng nhiệt, yêu đến nỗi mang cả tính mạng của chính mình ra đánh cược để cứu cô, cũng không quên dùng chính cô làm lá chắn cho những âm mưu của mình, và rồi còn dùng chính cái cách mà anh biết rất rõ là tổn thương cô nhiều nhất để đẩy cô ra khỏi cuộc đời, đến mức cô vĩnh viễn cũng không thể tha thứ cho anh. Nam thì đẹp như một bức tượng được điêu khắc khéo léo, nữ thì ngọt ngào như một giấc mộng thanh xuân, nhưng cả hai lại cùng tăm tối, u uất, buồn bã và cô độc đến mức chỉ nghĩ đến thôi mà một người trưởng thành như mình cũng muốn rùng cả mình vì sợ hãi. Mang hai nhân vật như vậy mà làm thần tượng cho giới trẻ, là muốn giới trẻ cũng u uất đến nhảy lầu tự tử hết cả hay sao? Đó là chưa kể, những phân cảnh giết người của nam chính luôn máu me và tàn nhẫn đến ghê rợn. Bởi vậy, bộ phim này tuyệt đối không thể, và không nên, làm một bộ phim thần tượng! 

À đấy, nếu phân tích xuôi thì nó là thế. Nhưng nếu phân tích ngược thì mình lại nghĩ về nó như thế này cơ. Đây chính là một bộ phim tâm lí xã hội và gia đình rất cơ bản, nhưng cực kì khéo léo lồng ghép trong bối cảnh cổ trang cung đấu và trạch đấu (gia đình đấu nhau) đẹp lung linh và những chi tiết ngôn tình và thần tượng có tính thời trang và thời đại để tăng tính hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Và bởi thế, người ta thích gọi nó là thể loại gì cũng được, vì thể loại gì nó cũng có một chút, quan trọng hơn cả là dù có gọi nó là thể loại gì thì nó cũng vẫn vô cùng hấp dẫn, vô cùng thú vị, vô cùng đáng xem, và với mình, đây mới chính là cách làm phim mới mẻ và đúng đắn nhất hiện nay. Nghe thì tưởng như một nồi lẩu thập cẩm, nhưng lẩu thập cẩm mà khéo nấu khéo bày thì lại chả ngon bằng vạn những nồi lẩu một loại à! Nồi lẩu này nhé, có món võ hiệp cổ trang, nhưng không đánh nhau choang choảng quá nhiều đến đau cả đầu. Nó có cả món cung đấu, nhưng lại không sa đà vào mưu mô đàn bà nhỏ mọn. Nó có cả trạch đấu, nhưng luôn dựa rất vững chắc trên nền tảng của tình yêu gia đình. Nó có ngôn tình, nhưng không sến súa và ảo tưởng vô lí. Và nó có diễn viên thần tượng, nhưng diễn viên thần tượng của nó đóng hay dã cả man chứ không ngô nghê ngớ ngẩn theo kiểu hot girl hot boy đi đóng phim chiếu mạng. Và thế là, món nào của nó cũng được chế biến vô cùng khéo léo, vừa ăn, đem trộn vào nhau nấu lên thơm phức, ăn đến đâu là phải xuýt xoa đến đó. Thật là sướng cả mồm mà!

Để có được nồi lẩu ngon như thế này, thì khâu đầu tiên vô cùng quan trọng chính là nguyên liệu, cũng chính là kịch bản phim. Và mình ngưỡng mộ phần kịch bản của bộ phim này vô cùng. Bộ phim có bối cảnh rất rộng, kéo từ nhà ra đến ngõ, bao hết cả một cái kinh thành, lại chui cả vào hoàng cung, xong lại xông ra cả chiến trường, số lượng nhân vật vì thế cũng nhiều đến vô tội vạ. Đây chính là một nền tảng tuyệt vời cho sự lan man, và có quá nhiều đến mức không thể đếm xuể những bộ phim cổ trang của TQ mình đã xem cũng vì thế mà lan man kinh khủng, bày ra quá nhiều rồi ăn không xuể, kết quả là phim xem đã không cuốn hút thì chớ, thậm chí còn bị bực mình vì những câu chuyện bị bỏ ngỏ hay những nhân vật cứ xuất hiện rồi lại biến mất như trò đùa. Nhưng biên kịch của Tinh Hán Xán Lạn thực sự xuất sắc đến khủng khiếp, từng câu chuyện từ nhỏ đến to, từ chính đến phụ, cứ lần lượt được mở ra rồi gói lại một cách vô cùng gọn gàng, khúc chiết. Mà đáng sợ hơn là mặc dù phim rất nhiều nhân vật, nhưng cứ nhân vật nào xuất hiện trên màn hình là chắc chắn đều có một câu chuyện riêng của mình, và một tính cách riêng được khắc hoạ vô cùng rõ nét dù chỉ bằng những chi tiết rất nhỏ xinh, gọn gàng mà tinh tế. Thực sự là với lượng nhân vật và câu chuyện riêng của nhân vật nhiều như Tinh Hán, nếu phim có kéo dài đến 100 tập chắc cũng chẳng oan. Vậy nhưng, chúng lại được kể hết sạch chỉ trong có 56 tập, mà vẫn rất đầy đủ, không vội vàng, không gấp gáp, lại còn vô cùng logic và tròn trịa. Có những câu chuyện vốn trong bất kì một bộ phim nào khác cũng thường sẽ chỉ được kể lại qua lời thoại của một vài nhân vật, thì trong Tinh Hán vẫn được kể rất đầy đủ bằng hình ảnh, bằng bối cảnh riêng một cách vô cùng cầu kì, tạo ra một trải nghiệm thưởng thức câu chuyện rất đầy đủ và trọn vẹn. Đến cuối cùng, gần như tất cả các nhân vật dù phụ đến không thể phụ hơn cũng đều có một kết cục riêng của mình, tạo nên sự thoả mãn hiếm có đối với người xem. Cái thế giới (giờ người ta hay gọi bằng cái tên vũ trụ điện ảnh) trong Tinh Hán vì thế hiện ra cực kì rõ ràng, sống động, sắc nét và đủ đầy, trở nên vô cùng cuốn hút đối với người xem. Mình nghĩ đây cũng chính là lí do lớn nhất cho việc mình bị “chìm” trong phim sâu đến mức này ngay cả sau khi đã xem xong hết, bởi vì cái thế giới trong phim quá chân thực và sinh động.

Một điều nữa khiến mình cực kì ngưỡng mộ kịch bản của Tinh Hán là nó không bị mắc hai cái lỗi nhân vật cực kì, nhấn mạnh là CỰC KÌ phổ biến trong các phim truyền hình châu Á, đặc biệt phim Trung Quốc.

Lỗi thứ nhất là những nhân vật công cụ thuần tuý, hay còn được gọi là “máy bơm màn ảnh”, tức là những nhân vật mà sự xuất hiện của họ hoàn toàn chỉ để phục vụ cho việc tạo ra thêm khó khăn lặt vặt cho nhân vật chính, đôi khi cũng chỉ để bôi cho câu chuyện thêm dài, rồi sau đó bị vứt bỏ như một thứ giẻ rách không ai thèm nhắc tới nữa sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những nhân vật này thường được khắc hoạ một cách chung chung, về cơ bản là na ná nhau cả, và kết cục của những nhân vật này thường là một kết cục chóng vánh nào đó theo kiểu cho xong chuyện, hoặc thậm chí tệ hơn, chỉ được kể lại một cách thoáng qua trong một câu chuyện trà dư tửu hậu nào đó của một vài nhân vật khác. Đương nhiên rồi, người ta cần tiết kiệm tiền bối cảnh, tiền diễn viên và thời gian quay phim mà. Nhưng Tinh Hán thì ngược lại, tất cả các “máy bơm” đều được đối xử vô cùng tử tế. Ai cũng được khắc hoạ tính cách rất đàng hoàng, có moment để tạo ấn tượng riêng, và rồi đều lần lượt có kết cục rất riêng của mình. Đặc biệt là những khó khăn mà họ tạo ra cho tuyến nhân vật chính đều được tận dụng rất tốt, trở nên có ý nghĩa trong quá trình phát triển cảm xúc của nhân vật chính, hay dẫn dắt phát triển câu chuyện phim theo hướng mở rộng và thú vị. Có cảm tưởng như nam chính trong phim chính là hiện thân của biên kịch phim, bởi vì hắn tính kế với các nhân vật khác nhiều bao nhiêu thì biên kịch cũng tính kế với khán giả nhiều bất nhiêu, chỉ hơn không kém. Mỗi nhân vật xuất hiện dù ở bất cứ thời điểm nào cũng đều bất ngờ có ý nghĩa rất khác ở một thời điểm khác sau đó, khiến cho câu chuyện phim trở nên khó lường hơn rất nhiều, lại còn liên tục chứa đựng nhiều những bất ngờ hay ho nho nhỏ. Như vậy tính ra thì, không những đã không bị mắc lỗi cơ bản là xây dựng nhân vật công cụ thuần tuý, biên kịch phim ngược lại còn biến họ thành điểm mạnh trong câu chuyện của mình.

Lỗi thứ hai cũng vô cùng phổ biến và thậm chí gần đây còn thường xuyên được tung hô một cách vô cùng vô lí là một cái lỗi văn học xưa còn hơn chính cả văn học: deus ex machina – những nhân vật từ trên trời rơi xuống, xuất hiện để giải quyết những mâu thuẫn quá lớn đến mức sẽ không thể giải quyết chỉ với những nhân vật có sẵn. Deus ex machina là một lỗi vốn rất bị coi thường trong văn học, chủ yếu thể hiện khả năng xử lí tình huống quá yếu kém của tác giả, nhưng không hiểu sao lại đặc biệt phổ biến và thậm chí còn được yêu thích ở Châu Á, có lẽ là nền văn hoá quá ưa thích thần thánh và các phép màu. Deus ex machina cũng thường trở nên cần thiết vì các nhân vật trong một câu chuyện bị xây dựng quá đơn sắc: người tốt thì luôn đúng, người xấu cũng luôn sai, và người tốt thì luôn rất cứng nhắc, mà người xấu thì luôn xảo quyệt, đại loại thế. Nhưng con người thực tế đa diện hơn thế rất nhiều, và đó chính là cách Tinh Hán xây dựng nhân vật của mình. Người vô cùng thông minh cũng có thể gây ra những lỗi lầm vô cùng ngớ ngẩn, người vô cùng thơ ngây cũng có thể trở nên đa đoan, thậm chí nhân vật tốt đến mức thiên thần cũng có góc tối của riêng mình. Nhân vật của Tinh Hán vì thế cũng trở nên thật khó lường, những rắc rối của câu chuyện cũng trở nên khó lường, và cách giải quyết của những rắc rối đó lại càng khó lường. Câu chuyện của Tinh Hán vì thế có một cái logic rất khó lường, y hệt như cuộc sống, tuy nhiên không phải cuộc sống của ai cũng phức tạp như thế. Điều đó càng khiến Tinh Hán đáng ngưỡng mộ, bởi để có thể cảm nhận được một cách sâu sắc nhất cái câu chuyện vô cùng phức tạp về mặt cảm xúc của nó cần một bề dày trải nghiệm cuộc sống khá phong phú chứ chẳng chơi. Một trong những lí do để các bộ phim truyền hình châu Á thường có kịch bản khá đơn giản với rất nhiều những nhân vật công cụ và các deus ex machina là bởi vì nhóm khán giả đông nhất của chúng là giới trẻ và giới bình dân, cũng là nhóm dân số mà phần đông chưa có trải nghiệm cuộc sống phức tạp và phong phú đến vậy.

Thử nghĩ mà xem. Sẽ thật khó để một phụ nữ văn phòng bình thường, cả đời chỉ cặm cụi chăm con và chờ chồng đi nhậu về, có thể chia sẻ được với cảm xúc của Tuyên Hoàng hậu khi bà nằng nặc đòi người chồng vô cùng yêu thương và kính trọng bà phải phế truất con trai ruột của bà khỏi ngôi vị Thái tử và chính bà khỏi ngôi vị hoàng hậu và đưa bà vào lãnh cung. Suy nghĩ đơn giản và phổ biến nhất, “Ủa bà khùng hả bà nội?”. Hẳn là sẽ cần một người phụ nữ cực kì từng trải, cũng cực kì biết trân trọng bản thân, để hiểu rằng, thà bà vào lãnh cung và một mình tự do tận hưởng những thứ mình yêu thích còn hơn việc suốt ngày phải tỏ ra đoan trang và vui vẻ trước mặt tất cả mọi người trong một cuộc hôn nhân không thoả mãn. Hoàn toàn giống hệt như vậy, sẽ có bao nhiêu cô gái trên cuộc đời này sẽ đồng cảm với Trình Thiếu Thương khi cô thà vào lãnh cung sống với hoàng hậu suốt 5 năm trời chứ cũng nhất quyết không tha thứ cho người đàn ông mà chính mình yêu đến chết đi sống lại, dù chính anh cũng vẫn đang yêu cô đến chết đi sống lại. Again, “Bà khùng hả bà nội?”. Tất cả chỉ vì, nếu như yêu nhau đến thế nhưng vẫn không thể hoàn toàn tin tưởng nhau đến mức có thể nói mọi thứ với nhau, thì yêu nhau để làm gì, và sống với nhau cũng có ý nghĩa gì. Và nữa, sẽ có bao nhiêu bà mẹ trên đời này đồng ý với Trình đại phu nhân, khi bà chủ động nói lời xin lỗi với con gái mình, “Mẹ xin lỗi con, mẹ sai rồi!”, khi chính bà vẫn luôn là một người mẹ tuyệt vời, hết lòng yêu thương con cái vô bờ, đã từng sẵn sàng hy sinh danh dự, thậm chí tính mạng của toàn gia tộc vì hạnh phúc của con. Nhất là khi chính Thiếu Thương còn chưa từng mở mồm ra chủ động chê trách gì việc làm mẹ của bà, cũng như đòi hỏi bà bất cứ điều gì. Tất cả chỉ vì bà tự hiểu rằng, dù mình đã làm cho con rất nhiều, bà lại chưa từng trao cho con thứ nó thực sự mong muốn. Sẽ có bao nhiêu bà mẹ làm được như thế?

Tất cả các nhân vật chính và thứ chính của Tinh Hán Xán Lạn đều có một tiêu chuẩn rất cao, nếu không muốn nói là quá cao, về cuộc sống, tình yêu và các mối quan hệ gia đình, xã hội – một thứ tư duy còn khá hiếm hoi ở xã hội quần cư Châu Á. Vậy nhưng, Tinh Hán vẫn miệt mài kể những câu chuyện đó. Và việc người ta sẵn sàng đầu tư nhiều tiền đến thế để làm nên một bộ phim cầu kì đến thế về những câu chuyện còn khó hiểu đến thế thực sự là một điều vô cùng đáng ngưỡng mộ. Đáng ngưỡng mộ tới mức, mình cảm thấy biết ơn vì sự tồn tại của Tinh Hán Xán Lạn và những câu chuyện về gia đình và xã hội của nó.

Điều tiếp theo rất đáng ngưỡng mộ trong việc xây dựng nhân vật của kịch bản Tinh Hán Xán Lạn là tính nhất quán trong tính cách của các nhân vật. Tính nhất quán cũng là một điểm yếu rất lớn trong các kịch bản phim truyền hình Châu Á. Chính vì thói quen đối xử với nhân vật của mình như những công cụ, và khi người ta cần kể một câu chuyện rất dài một cách ngắn gọn hơn, rất thường xuyên trong các bộ phim sẽ có những thời điểm các nhân vật bỗng cư xử vô cùng bất thường so với tính cách đã được xây dựng từ đầu, và chính những lúc này người ta sẽ lại sử dụng tính đa diện của con người và cuộc sống để biện minh cho nhân vật của mình. Con người thú vị là vậy đấy, đa diện nhưng nhất quán, nhất quán nhưng lại đa diện. Và vì thế, để có thể khắc hoạ được sự phức tạp đầy mâu thuẫn này thành những nhân vật sinh động và hấp dẫn trên màn hình cần một sự thấu hiểu tâm lý con người vô cùng sâu sắc, cũng như những kĩ năng kể chuyện vô cùng sắc sảo. Chỉ cần trình độ kể chuyện không tới, thì sự nhất quán sẽ trở thành cứng nhắc và nhạt nhẽo, còn sự đa diện sẽ trở thành lộn xộn và bừa bãi. Tinh Hán ngược lại làm rất rất tốt điều này, và vì thế, có rất nhiều nhân vật phụ trong phim đang nhận được sự yêu mến rất lớn từ khán giả nhờ hình tượng được xây dựng nhất quán, rõ ràng mà thú vị, hấp dẫn. Xem phim, khó có ai lại có thể không yêu mến một Việt Phi nữ hoàng đấu khẩu (hiện đang được CĐM phong danh hiệu Việt Phi Chiến Thần) có hẳn một màn cướp spotlight xứng đáng đi vào lịch sử truyền hình Hoa ngữ, hay anh mỏ hỗn chửi thâm không ai cãi lại nổi, hay chàng Phi béo nam thần nhận phạt. Mỗi nhân vật đều không hề cần nhiều thời gian trên màn ảnh, nhưng mỗi lần xuất hiện đều được gọt đẽo bằng những chi tiết cực kì sắc sảo, nên đều có thể để lại dấu ấn rất đáng nhớ, thậm chí khiến nguười ta phải mong chờ. Trình độ xây dựng nhân vật của đội ngũ biên kịch và đạo diễn của Tinh Hán thực sự là thượng thừa!

Thôi, tạm ngưng pt.1 ở đây. Hẹn các bạn ở pt.2 nhé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s